Trong niên vụ cà phê 2022-2023, thị trường ghi nhận mức giá cà phê tăng cao khiến các doanh nghiệp sản xuất lĩnh vực này gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh.
>>Đắk Lắk: Doanh nghiệp cà phê tìm kiếm nhà đầu tư quốc tế
Nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cà phê vẫn kéo dài trong bối cảnh giá cà phê leo thang như hiện nay.
Việc giá cà phê tăng “chóng mặt” được đánh giá là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành cà phê Việt Nam. Với mức cao nhất trong hơn 20 năm qua, người dân tại các địa phương đang có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống cũng như có thêm nguồn vốn đầu tư để phát triển cà phê. Trái ngược với đó, nhiều doanh nghiệp lâm cảnh khó khăn khi mức giá tăng quá cao so với các hợp đồng đã ký trước đó.
Các chuyên gia cho rằng giá cà phê tăng mạnh do chi phí sản xuất tăng cao và nguồn cung cà phê thế giới đang gặp nhiều vấn đề. Trong thời gian qua, nhiều khu vực đã xảy ra tình trạng “cháy hàng”, nên các thương lái trong nước đã nhiều lần bán qua tay bên kia, mỗi lần đẩy giá cà phê lên cũng đã khiến giá tăng cao.
Cùng với đó, tại thời điểm này chỉ có Việt Nam đang thu hoạch cà phê Robusta, cà phê của các nước khác như Indonesia hay Brazil phải đến tháng 4 - 7/2024 mới thu hoạch. Đặc biệt, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và người dân chuyển đổi sang cây trồng khác nên nguồn cung cà phê Việt Nam cũng bị suy giảm trong các năm gần đây.
Đang kinh doanh tiệm cà phê Trường Thịnh, ông Nguyễn Thanh Trường cho hay do giá nguyên liệu nhập vào tăng nên cơ sở của anh cũng phải tăng giá để không bị lỗ vốn. Theo anh Trường, với mức tăng giá bán thêm khoảng 10% khiến việc kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn.
Tương tự, ông Lê Văn Lương – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ cà phê Cavalry (tỉnh Quảng Nam) cho biết trước đó doanh nghiệp thường xuyên nhập hàng chục tấn cà phê hạt để sản xuất thành phẩm cung cấp cho các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp chỉ có thể nhập cầm chừng vài tấn để cung ứng cho các hợp đồng đã ký kết từ trước.
“Hiện nay, cầu đang nhiều hơn cung. Doanh nghiệp sản xuất luôn phải mua giá cao hơn giá niêm yết từ 10-15% vì những yêu cầu riêng về tiêu chuẩn của nguồn hàng, chưa kể đến chi phí vận chuyển cũng như chế biến. Với mức giá như hiện nay thì rất khó để sản xuất với số lượng lớn để cung ứng cho thị trường”, ông Lương nói.
Cũng theo vị này, giá cà phê tăng cũng theo chu kỳ trong vòng từ 8-10 năm. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, suy thoái kinh tế đang tạo áp lực đè nặng doanh nghiệp nên giá cà phê tăng cao khiến doanh nghiệp “méo mặt” là hiển nhiên.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ia Châm (tỉnh Gia Lai) nhìn nhận với mức giá và số lượng cà phê như hiện nay, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Theo ông Tuấn, khi giá cà phê tăng thì doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực lớn về nguồn vốn và tìm kiếm nguồn hàng để thu mua.
“Thực trạng thị trường cà phê hiện nay là do người dân đã bán trước đó, cùng với việc vụ cà phê mất mùa đã phải đền hợp đồng nhiều nên các đầu mối đã tự nâng giá để thua mua hạt cà phê mà không theo một quy luật nào. Các đơn vị sản xuất đều lâm cảnh khó khăn khi mua sản phẩm về không chỉ phải tìm cách bảo quản, mà còn phải lo thêm phần giá cả”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo nhiều dự báo, từ nay đến hết tháng 4/2024 khi Indonesia vào vụ mới, tình trạng khan hiếm nguồn cung vẫn diễn ra, khiến giá cà phê nội địa của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đến thời điểm đó. Nhiều chuyên gia lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sẽ không còn hàng để mua, tích trữ và sản xuất.
Thậm chí, nhiều chuyên gia dự báo trong năm 2024, tình hình nguồn cung tại Việt Nam được dự báo sẽ chưa cải thiện, tác động đến giá cà phê trong nước.
Tổng nguồn cung của Việt Nam vẫn thấp hơn niên vụ trước do lượng tồn kho trong niên vụ 2022-2023 chuyển sang chỉ đạt 390.000 bao, giảm mạnh từ mức 3,58 triệu bao của niên vụ 2021-2022. Do đó, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 2,4 triệu bao xuống còn 23 triệu bao. Tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến vẫn ở mức thấp là 359.000 tấn.
Có thể bạn quan tâm