Doanh nghiệp

Thuế đối ứng của Mỹ: "phép thử" khả năng thích ứng doanh nghiệp cà phê

Thy Hằng 14/04/2025 03:15

Thuế đối ứng của Mỹ không chỉ là rào cản thương mại mà là "phép thử" cho khả năng thích ứng, minh bạch và bền vững của doanh nghiệp cà phê Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chính quyền Mỹ đã thông báo tạm hoãn 90 ngày trước khi áp thuế đối ứng với các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên thời gian không dài và thách thức vẫn còn phía trước, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, trong đó có cà phê – mặt hàng tỷ USD với sản lượng xuất khẩu từ Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới (sau Brazil) và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới.

tieu-say-lanh-1-1605235156491-16505120824611270757767.jpg
Niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, kim ngạch hơn 5,4 tỷ USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, việc tạm dừng thuế đối ứng là tin vui, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể chủ quan. Thực tế, dù Hoa Kỳ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu, gần 1,5 tỷ USD của Intimex năm 2024, nhưng vẫn là thị trường chiến lược.

Đó là với Intimex, với ngành hàng cà phê, niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê, kim ngạch hơn 5,4 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ hơn 81.000 tấn, chiếm 6% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Đáng lưu ý, hiện giá cà phê thế giới đã bắt đầu đà giảm vào ngày 3/4, khi các nhà đầu tư lo ngại việc áp thuế đối ứng với nhiều nước của Mỹ sẽ làm tổn hại đến nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các quốc gia.

Hơn nữa, Việt Nam không phải là quốc gia sản xuất cà phê duy nhất trên thị trường toàn cầu. Các nước như Brazil, Colombia, Indonesia cũng sản xuất lượng lớn cà phê và không ngừng cải thiện chất lượng. Điều này tạo áp lực cho Việt Nam trong việc duy trì vị trí cạnh tranh, đặc biệt là với Robusta, loại cà phê chủ lực của Việt Nam trong bối cảnh mức thuế quan được áp ở các nước này đang thấp hơn của Việt Nam rất nhiều.

Các doanh nghiệp cũng lo ngại rằng nếu mức thuế mới cao hơn được áp dụng sẽ khiến các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển sang tìm nguồn cung từ Brazil hoặc Colombia, hai quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan này.

“Với đặc thù ngành hàng nông sản - cà phê, tính cạnh tranh không chỉ đến từ chất lượng, mà còn từ thuế suất. Brazil hoàn toàn có thể vượt mặt chúng ta, nếu họ tận dụng được lợi thế thuế thấp hơn. Vì vậy, doanh nghiệp nông sản buộc phải thay đổi để tồn tại”, ông Đỗ Hà Nam chia sẻ.

Theo mức thuế đối ứng được công bố trước khi "tạm hoãn" 90 ngày, thuế với cà phê của Brazil chỉ ở mức 10% trong khi đó áp dụng với Việt Nam là 46%. Hội đồng xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe) mới đây cũng cho rằng, các nhà sản xuất Brazil sẽ có cơ hội lớn nếu Mỹ không đưa loại hạt này vào danh sách miễn thuế. Vốn dĩ Mỹ không sản xuất được nhiều loại hạt này và phụ thuộc vào nhập khẩu.

Cũng theo Cecafe, Mỹ là nước mua cà phê lớn nhất của Brazil vào năm 2024, với khối lượng mua là 8,13 triệu bao 60 kg, chiếm 16% tổng lượng cà phê xuất khẩu của Brazil. Trong khi đó Việt Nam và Indonesia xuất khẩu khoảng 2 triệu bao sang thị trường này năm 2024, phần lớn là cà phê robusta.

Ảnh màn hình 2025-04-13 lúc 18.25.19
Cà phê Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với Brazil trong khi đó quốc gia này đang có lợi thế về thuế đối ứng với Mỹ thấp hơn.

Như vậy, những lo lắng là không thừa, bởi nếu không có chiến lược phù hợp, ngành cà phê Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ mất thị trường. Trước tình hình mới, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng như đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm... để không rơi vào bị động.

Theo ông Đỗ Hà Nam, để ứng phó với chính sách thuế quan từ Mỹ, đơn vị đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường sang châu Âu, Trung Đông và các quốc gia có Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Song song đó, doanh nghiệp cũng nâng cao chất lượng, hạ giá thành và phát triển thương hiệu, để tăng khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, Intimex còn tăng nhập khẩu thực phẩm từ Mỹ về Việt Nam để góp phần cân bằng cán cân thương mại, một hướng đi vừa chiến lược vừa thực tế.

Ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) thì tin tưởng và kỳ vọng vào những tín hiệu tốt đẹp từ các cuộc đàm phán của Việt Nam. “Doanh nghiệp, ngành hàng tin tưởng vào những hành động nhanh nhạy và mang tính chiến lược của Chính phủ. Ở góc độ tổ chức ngành hàng, Vicofa đã đề xuất, kiến nghị với cơ quan cấp trên và chờ đợi tín hiệu sát thực ở cấp độ quốc gia trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Vicofa kỳ vọng triển vọng hợp tác tốt cho hai quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế đối ứng của Mỹ: "phép thử" khả năng thích ứng doanh nghiệp cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO