Tài chính doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành thép 6 tháng đầu năm: Người lãi lớn, kẻ lỗ sâu

ĐÌNH ĐẠI 04/08/2024 02:10

Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 ghi nhận nhiều doanh nghiệp lãi lớn, nhưng cũng có không ít doanh nghiệp gánh kết quả kinh doanh thua lỗ.

thep.jpg
Triển vọng tăng trưởng của ngành thép từ năm 2025 đến năm 2027 được đánh giá tích cực nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa cuối năm 2024.

HPG, NKG, TVN lãi lớn

Đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp ngành thép có mức lãi nghìn tỷ tại quý II là "ông lớn" trong ngành - Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) với doanh thu thuần đạt 39.556 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng đạt gần 3.320 tỷ đồng, tăng 127% tỷ đồng so với cùng kỳ.

Trong đó, nhóm thép chiếm tỷ trọng lớn nhất với đóng góp 96% và 91% lần lượt cho doanh thu lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HPG. Nông nghiệp đứng thứ hai về doanh thu và lợi nhuận sau thuế với tỷ trọng lần lượt là 4% và 7%. Bất động sản đóng góp đứng thứ ba với 0,3% doanh thu và 2% lợi nhuận sau thuế.

Ở mảng bất động sản, HPG đang tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có tại Hưng Yên và Hà Nam, tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trong khi đó, sản lượng thép xây dựng quý II của HPG đạt 1,27 triệu tấn, tăng 33% so với quý trước (956 ngàn tấn), tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) biến động ngược lại với mức giảm 10% từ 805 ngàn tấn xuống 724 ngàn tấn. HPG vẫn duy trì vị thế dẫn đầu về thép xây dựng trong nước với thị phần 38%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, "ông lớn" ngành thép này ghi nhận 71.029 tỷ đồng doanh thu và 6.189 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Không có lợi nhuận nghìn tỷ, nhưng Công ty CP Thép Nam Kim (HOSE: NKG) cũng có kết quả kinh doanh quý II ấn tượng và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024 chỉ sau 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, trong quý II, NKG ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 5.660 tỷ đồng và lãi ròng 220 tỷ đồng, tăng tương ứng 3% và 75% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này phần lớn không đến từ sự tăng trưởng của hoạt động cốt lõi, mà xuất phát từ hoạt động tài chính và việc cắt giảm chi phí.

Theo đó, trong kỳ doanh thu tài chính của NKG tăng mạnh 125%, lên 114 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động này cũng được kéo giảm 44% so với cùng kỳ, xuống còn gần 70 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay giảm 46%, còn 43 tỷ đồng. Chi phí quản lý cũng được tiết giảm 20%, xuống còn 33 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 10.952 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm gần 7.500 tỷ đồng, doanh thu nội địa chỉ hơn 3.500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm của NKG đạt 460 tỷ đồng và lãi ròng 370 tỷ đồng, đều gấp gần 5 lần cùng kỳ. Mức tăng trưởng mạnh của lợi nhuận đến từ sự hồi phục của ngành thép và so với mức nền thấp cùng kỳ. Với kết quả trên, NKG vượt gần 10% kế hoạch lãi trước thuế năm 2024.

Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (UpCOM: TVN) cũng đã ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại với mức lãi hơn trăm tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ nặng gần 350 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý II/2024, TNV ghi nhận doanh thu đạt hơn 10.076 tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp kỳ này tăng mạnh hơn 272%, lên hơn 318 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 51,4% xuống còn hơn 98 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động này cũng giảm 16,5% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 88 tỷ đồng. Đáng chú ý, kỳ này doanh nghiệp ghi nhận lãi công ty liên doanh, liên kết hơn 51,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 374 tỷ đồng

Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý II của doanh nghiệp ghi nhận lãi gần 130 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 349,4 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, TVN ghi nhận doanh thu đạt hơn 17.590 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 176 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 281 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp cũng đã hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm 2024.

thep1.jpg
Dự báo nhu cầu nội địa tăng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho KQKD của các doanh nghiệp thép. (Biểu đồ: Diễn biến lượng và giá thép xuất khẩu vào Việt Nam 2023-2024).

THL, SMC…lỗ nặng

Không được may mắn có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng như những doanh nghiệp trên, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) là cái tên đứng đầu trong danh sách các doanh nghiệp ngành thép thua lỗ nặng nhất trong quý II/2024.

Cụ thể, trong quý II, mặc dù doanh thu thuần tăng gần 33% so với cùng kỳ, lên 1.634 tỷ đồng, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, nên doanh nghiệp lỗ gộp hơn 66 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 38 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng ghi nhận phần lỗ trong công ty liên doanh, liên kết tới 17 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 300 triệu đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, TLH báo lỗ sau thuế hơn 153 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước có lãi hơn 5 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất của các doanh nghiệp ngành thép ghi nhận tính đến thời điểm hiện tại.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù doanh thu thuần tăng nhẹ 9% lên 2.895 tỷ đồng, nhưng TLH vẫn ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 152 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.240 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm chậm hơn khiến SMC lỗ gộp 67 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi gần 160 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong kỳ này, SMC ghi nhận thu nhập khác tăng đột biến lên hơn 172 tỷ đồng nhờ khoản thanh lý, nhượng bán tài sản cố định. Phần lớn đến từ việc bán trụ sở tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, Phường 25, Quận Bình Thạnh. Dù vậy, SMC vẫn lỗ sau thuế 114 tỷ đồng.

Trước đó, doanh nghiệp này báo lãi đậm trong quý I/2024, qua đó ngắt chuỗi thua lỗ nhiều quý trước đó. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa thực sự tích cực, khi doanh nghiệp này lại quay đầu lỗ hàng trăm tỷ trong quý II.

Luỹ kế nửa đầu năm 2024, SMC ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.469 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Nhờ lãi lớn trong quý I, công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỷ đồng, nhưng chủ yếu đến từ phát sinh thanh lý tài sản và bán khoản đầu tư tài chính, không phải từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 82% mục tiêu lợi nhuận năm.

Dự báo triển vọng tích cực từ 2025-2027

thep2.jpg
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng xu hướng tăng trưởng ngành chưa chắc chắn.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VFA), thị trường thép đã có tín hiệu phục hồi tích cực, ngành xây dựng tăng 7,34%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024. Tuy nhiên, VFA cho rằng, xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu chắc chắn, tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đã đảo chiều so với tháng 5/2024 cho thấy nhu cầu thép trong nước chưa thực sự phục hồi.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình xuất khẩu, theo VFA, trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 5,505 triệu tấn thép tăng 25,61% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị xuất khẩu đạt 4,041 tỷ USD tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2023.

Thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 là: khu vực EU (26,08%), khu vực ASEAN (25,75%), Hoa Kỳ (12,86%), Đài Loan (4,08%) và Brazil (3,66%).

Nhận định về triển vọng ngành thép trong nửa cuối năm 2024, Chứng khoán KBSV cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ hồi phục nhờ vào sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nhà ở và sự gia tăng số lượng dự án mới được cấp phép.

Theo đó, Luật Đất đai sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sắp tới được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước. Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép ống từ tháng 4 đến tháng 5/2024 đạt 191/184 nghìn tấn, tăng 26%/14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thép ống này chủ yếu đến từ thị trường trong nước.

Từ tình hình thực tế trên, Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, sản lượng tiêu thụ toàn ngành thép trong năm 2024 - 2025 sẽ tăng 15% và 8% so với cùng kỳ.

Liên quan đến giá thép, theo KBSV, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định kéo dài hiệu lực của các biện pháp phòng vệ đối với một số sản phẩm thép đến cuối tháng 6/2026. Chính sách này sẽ giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ thép cán nóng (HRC) nội địa tại EU và cải thiện giá cả tại đây. Đồng thời, duy trì sự ổn định giá tôn mạ giữa EU và Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất thép xuất khẩu từ Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, KBSV dự đoán giá thép sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu nội địa gia tăng, làm giảm áp lực điều chỉnh và cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm, điều này sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.

"Triển vọng tăng trưởng của ngành thép từ năm 2025 đến năm 2027 được đánh giá tích cực nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động và thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục chậm từ năm 2025", KBSV nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ngành thép 6 tháng đầu năm: Người lãi lớn, kẻ lỗ sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO