Kinh tế

Đòn bẩy đưa Hải Phòng cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Minh Huệ - Hải Ngân 17/04/2025 00:30

Hải Phòng đang tận dụng hiệu quả thời cơ từ Nghị quyết 57-NQ/TW, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

kkt2.jpg

Đó là chia sẻ của ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Hải Phòng với Diễn đàn Doanh nghiệp xoay quanh định hướng phát triển công nghiệp gắn với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để hiện thực hoá tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW.

- Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS). Vậy, ông đánh giá như nào về vai trò của KHCN&ĐMST và CĐS trong sự phát triển của các ngành công nghiệp?

Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của khát vọng vươn mình mạnh mẽ, xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã ra đời như một quyết sách mang tính cách mạng, xác định đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để đưa đất nước phát triển bứt phá. Nghị quyết 57 không chỉ là định hướng chiến lược cho cả nước mà còn là kim chỉ nam, tạo xung lực mới, thôi thúc các địa phương, trong đó có Hải Phòng, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát huy tối đa tiềm năng.

Quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 57, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu chiến lược đã được đề ra tại Nghị quyết 45-NQ/TW và Kết luận 96-KL/TW về xây dựng và phát triển thành phố, Hải Phòng xác định con đường phát triển trong giai đoạn mới phải dựa vững chắc trên nền tảng KHCN&ĐMST và CĐS.

Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm mà còn là giải pháp đột phá để Hải Phòng thực hiện thành công vai trò tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH), đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của cả vùng và đất nước.

- Bước ngoặt trong thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh thế (KKT) mà Hải Phòng đã thực hiện để nâng cao hàm lượng KHCN thúc đẩy ĐMST và đẩy nhanh quá trình CĐS là gì, thưa ông?

3.jpg
Khu công nghiệp DEEP C được mệnh danh là khu công nghiệp xanh, đi theo định hướng khu công nghiệp sinh thái

Hiện nay, với 2 KKT chiến lược là Đình Vũ - Cát Hải đang hoạt động hiệu quả và KKT ven biển phía Nam đang trong giai đoạn hình thành, cùng với đó là mạng lưới 18 KCN hiện hữu trải rộng trên diện tích hơn 7.000 ha, Hải Phòng đã thành công kiến tạo một hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, năng động và có sức hút mạnh mẽ.

Các KCN, KKT không chỉ là xương sống của nền kinh tế Hải Phòng mà còn là "vườn ươm" quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp công nghệ cao, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu.

Bám sát và chủ động hiện thực hóa tinh thần đột phá của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Hải Phòng đã thực hiện một bước chuyển chiến lược mang tính bước ngoặt trong thu hút đầu tư, quyết liệt chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Mục tiêu cốt lõi không chỉ là gia tăng quy mô vốn mà là nâng cao hàm lượng KHCN thúc đẩy ĐMST và đẩy nhanh quá trình CĐS trong toàn bộ nền kinh tế.

Minh chứng rõ nét cho sự chuyển dịch này, đến hết năm 2024, các KCN, KKT của thành phố đã trở thành điểm đến tin cậy của hơn 840 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 48 tỷ USD. Đặc biệt, suất đầu tư trung bình đạt gần 11 triệu USD/ha đất công nghiệp, gấp 2,2 lần mức trung bình cả nước, cho thấy sức hấp dẫn vượt trội đối với các dự án đòi hỏi công nghệ cao, vốn lớn, phù hợp với định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW.

4(1).jpg
Hải Phòng đã thành công kiến tạo một hệ sinh thái công nghiệp đa dạng, năng động và có sức hút mạnh mẽ.

Quan trọng hơn, dòng vốn này ngày càng tập trung vào các dự án quy mô lớn, mang tính dẫn dắt về công nghệ, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao và có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu – những yếu tố then chốt để tạo ra đột phá về KHCN&ĐMST.

Sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như LG, Bridgestone, Regina Miracle hay Pegatron... không chỉ là những con số về vốn mà đây chính là các hạt nhân công nghệ, mang theo năng lực R&D, quy trình sản xuất tiên tiến, văn hóa ĐMST và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ quản lý. Đặc biệt là hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số.

Việc TP Hải Phòng ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế biến chế tạo, cảng biển và logistics (chiếm trên 81% tổng vốn giai đoạn 2022-2023) chính là sự cụ thể hóa mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra. Sự bùng nổ của ngành sản xuất điện tử (chiếm 30% tổng vốn FDI) với các sản phẩm công nghệ phức tạp như màn hình OLED, điện thoại thông minh, bảng vi mạch điện tử, linh kiện bán dẫn... là biểu hiện sinh động của việc thành phố đang đi đầu trong việc tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến, đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tự chủ công nghệ quốc gia.

Thành công trong thu hút đầu tư chất lượng cao cũng đã trực tiếp thúc đẩy hàm lượng KHCN&ĐMST trong cơ cấu kinh tế thành phố. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng vọt từ 43% vào năm 2018 lên 60,6% vào năm 2023 là một chỉ dấu quan trọng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) liên tục tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 14% giai đoạn 2019-2024 không chỉ phản ánh sức sống của nền kinh tế mà còn khẳng định vai trò dẫn dắt của các ngành công nghiệp dựa trên KHCN&ĐMST, đúng theo định hướng đột phá mà Nghị quyết 57-NQ/TW đã vạch ra.

- Hải Phòng sẽ kiến tạo hệ sinh thái thuận lợi cho KHCN&ĐMST và CĐS trong các KCN, KKT trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Nhận thức sâu sắc rằng KHCN&ĐMST và CĐS là chìa khóa vạn năng mở cánh cửa phát triển trong kỷ nguyên mới, Hải Phòng đang dồn lực kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, hoạt động như một bệ phóng vững chắc. Nỗ lực này được triển khai đồng bộ trên nhiều mặt trận, bám sát và cụ thể hóa những định hướng đột phá mà Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị đã đề ra. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách. Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư.

Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thành lập KKT ven biển phía Nam Hải Phòng, với quy hoạch lên đến 20.000 ha, không chỉ đơn thuần là việc mở rộng không gian phát triển mà thực sự đánh dấu một chương hoàn toàn mới, mang tính bước ngoặt chiến lược cho thành phố Cảng. KKT này được kỳ vọng sẽ trở thành một hạt nhân tăng trưởng thế hệ mới, nơi hội tụ tinh hoa công nghệ và nguồn lực đầu tư, tạo ra sức bật mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội.

Hướng tới tương lai, Hải Phòng xác định một lộ trình phát triển rõ ràng cho toàn bộ hệ thống KCN, KKT, không chỉ khu vực mới mà cả những khu hiện hữu. Đó là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình KCN, KKT sinh thái, thông minh. Việc ứng dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, quản lý tài nguyên hiệu quả, sử dụng năng lượng sạch sẽ là tiêu chuẩn bắt buộc. Đồng thời, công nghệ số sẽ được tích hợp sâu rộng vào công tác quản lý, vận hành hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và kết nối doanh nghiệp, hướng tới xây dựng các KCN, KKT thông minh, hiệu quả, có khả năng chống chịu cao.

7.jpg
Các KCN, KKT không chỉ là xương sống của nền kinh tế Hải Phòng mà còn là "vườn ươm" quan trọng cho sự phát triển của công nghiệp công nghệ cao

-Vậy để hiện thực hoá tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, Hải Phòng đặt ra những mục tiêu cụ thể như thế nào trong phát triển công nghiệp, thưa ông?

Cam kết mạnh mẽ trong việc tiên phong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và CĐS, Hải Phòng đã mạnh dạn đặt ra những mục tiêu kinh tế - công nghệ đầy tham vọng cho năm 2030. Đó là, phấn đấu đưa tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt mức 55%. Nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong tổng giá trị ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lên trên 70% và thúc đẩy tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp đạt trung bình 20% - 22% mỗi năm.

Đây là những chỉ tiêu then chốt, thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của TP Hải Phòng trong việc đưa KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực chính, nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững và hiện đại hóa toàn diện.

Với quyết tâm chính trị cao, chiến lược phát triển bài bản cùng sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân, Hải Phòng đang tận dụng hiệu quả thời cơ từ Nghị quyết 57-NQ/TW, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng KHCN&ĐMST và CĐS. Đây chính là đòn bẩy quan trọng để thành phố thực hiện thành công Nghị quyết 45, Kết luận 96 của Bộ Chính trị, sớm trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH, động lực phát triển của Vùng và cả nước, cùng non sông Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòn bẩy đưa Hải Phòng cùng cả nước vững bước vào kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO