Việc dừng sản xuất tivi và smartphone của Vingroup khiến nhiều người tiếc nuối nhưng nhìn rộng hơn đó là bước đi chiến lược cần thiết để dồn lực một thương hiệu Việt khác có khả năng đi xa hơn.
Vingroup vừa công bố dừng việc nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung cho lĩnh vực sản xuất ô tô thông minh, nhà ở thông minh. Thông tin này có thể gây sốc cho giới công nghệ, nhưng với Vingroup, chiến lược “tinh gọn diện rộng” dường như đã được “lên lịch” chủ động nhằm dồn toàn lực cho khát vọng đi ra thế giới với mũi nhọn VinFast.
Không ngừng tinh gọn
Mới đây Tập đoàn Vingroup chính thức xác nhận VinSmart sẽ dừng nghiên cứu, sản xuất tivi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast.
Theo thông cáo chính thức, Vingroup – công ty mẹ của VinSmart lý giải quyết định "dừng cuộc chơi" là để tập trung vào phát triển các tính năng thông minh trên phương tiện giao thông và nhà ở. Trong đó, trọng điểm là phát triển các tính năng thông tin – giải trí – dịch vụ. Vingroup lý giải việc sản xuất tivi và điện thoại không còn khả năng đột phá, trong khi ô tô thông minh hay nhà ở thông minh vẫn còn nhiều dư địa tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng.
Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup cho biết: "Quyết định này không bất ngờ. Chúng tôi đã từng bước rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp, hàng không, kéo các viện nghiên cứu ô tô từ VinFast nước ngoài về trụ sở chính. Tất cả nhằm tập trung mọi nguồn lực cho ưu tiên cốt lõi là ô tô. Chúng tôi mong muốn có thể làm ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt nhất, tinh hoa nhất cho không chỉ người dùng Việt Nam mà phải cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. VinFast đang là trụ cột gánh vác sứ mệnh này nên cần được ưu tiên tối đa nguồn lực. Ngoài ra, với nguồn lực được tập trung, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh các mảng nghiên cứu hiện nay về thành phố thông minh, nhà thông minh và các thiết bị IoT cho các mảng này".
Được biết, để "dọn đường" cho Vinfast đã 3 lần mạnh dạn "tinh gọn" để dồn lực cho cuộc đua "nóng nhất" là công nghệ thông minh trên ô tô điện và nhà ở thông minh.
Có thể kể đến lần thay đổi đầu tiên vào năm 2019 khi Vingroup công bố chuyển giao mảng Bán lẻ - Nông nghiệp cho Masan, đồng thời giải thể hệ thống điện máy VinPro. Việc chuyển giao mảng kinh doanh đang mang lại "tiền tươi" quay vòng mỗi ngày, trong khi hai mảng này đã sắp đến điểm hòa vốn và "có lãi" đã khiến nhiều người khó hiểu. Lý do rất rõ ràng, Vingroup nhận thấy các mảng này không còn phù hợp với chiến lược "lõi" là Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại Dịch vụ đang theo đuổi. Và quyết định này là một sự "tối giản" cần thiết về nhân sự và quản lý để nhẹ gánh cho mục tiêu ưu tiên là VinFast.
Đầu năm 2020, Vingroup tiếp tục gây xôn xao với quyết định dừng Dự án Hàng không sắp được cấp phép. Dự án Vinpearl Air đã được đặt dấu chấm hết nhanh như khi bắt đầu: chưa đầy 5 tháng sau công bố gia nhập. Cộng đồng một lần nữa tiếc nuối vì đã quá mong chờ một hãng bay được bảo chứng chất lượng bởi Vingroup. Một lần nữa, Vingroup thẳng thắn thừa nhận thị trường hàng không tại Việt Nam đã quá chật chội và không còn dư địa tạo ra giá trị đột phá, trong khi mảng ưu tiên cốt lõi là VinFast cần tập trung nguồn lực.
Điều này đã được chứng minh hiệu quả khi đại dịch COVID-19 ập xuống, nhiều hãng hàng không chật vật chống đỡ thì Vingroup lại bảo toàn được nguồn lực để thúc đẩy mảng ô tô phát triển đột phá. Năm 2020 cũng chính là năm thăng hoa của VinFast với hàng chục ngàn xe được bán ra trên thị trường, đưa VinFast trở thành chiếc xe "quốc dân" tại Việt Nam, bất chấp tình hình bất ổn vì Covid 19.
Mới đây nhất, ngày 9/5/2021, Vingroup công bố dừng phát triển điện thoại và ti vi thông minh Vsmart với lý do: "Việc sản xuất điện thoại hoặc tivi thông minh đã không còn mang lại khả năng đột phá, tạo ra giá trị khác biệt cho người dùng. Trong khi đó, việc phát triển các dòng ô tô đặc biệt thông minh, các ngôi nhà thông minh, thậm chí kiến tạo các thành phố thông minh... sẽ mang đến rất nhiều lợi ích và những trải nghiệm vượt trội cho nhân loại. Vì vậy, chúng tôi quyết tâm dồn mọi nguồn lực cho mũi nhọn này", theo lời Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup.
Trước đó, Vingroup cũng đã có rất nhiều lần chủ động dừng nhiều dự án đầy tiềm năng khác trong sự nuối tiếc của người trong cuộc lẫn bên ngoài, khi không còn nhìn thấy triển vọng xứng đáng hoặc đơn giản là giảm bớt gánh nặng cho nhẹ thuyền đi xa hơn.
Đi tìm tăng trưởng
Chưa có dấu hiệu hụt hơi, ngược lại hãng điện thoại Việt còn đang cầm cờ trong cuộc đua với các ông lớn điện thoại trên thị trường khi mới 15 tháng gia nhập đã giành vị trí thứ 3. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, smartphone đang bước vào "kỉ nguyên tồn kho" và hầu như không còn cơ hội gây đột phá. Rất nhiều đại gia trong thị trường điện thoại smartphone, từ Apple, Samsung tới Xiaomi, Oppo, Huawei, Sony đều đang rục rịch chuyển hướng sang lĩnh vực khác là ô tô điện, theo những gì Vingroup làm.
"Lĩnh vực ô tô điện có khả năng trở thành một thị trường 5.000 tỷ USD trong một thập kỷ tới. Với GM, Ford, Volkswagen… đều đầu tư sâu vào lĩnh vực này, có thể thấy rằng nhu cầu của thế giới với công nghệ ô tô điện sẽ bùng nổ trong tương lai", ông Dan Ives, nhà phân tích thuộc Wedbush Securities ước tính khi nói về quy mô của mảng kinh doanh ô tô điện.
Tại Mỹ, theo đuổi sản xuất xe điện, Tesla đầu năm nay đã vượt qua Facebook để trở thành công ty có giá trị vốn hoá lớn thứ 5 nước Mỹ. Giá trị vốn hoá Tesla thậm chí còn vượt qua những tên tuổi như General Motors, Ford, Toyota, Honda, Fiat Chrysler và Volkswagen.
Năm ngoái, giá cổ phiếu Tesla Motors đã tăng hơn 600%, đây không chỉ là thành công của riêng Tesla mà còn là một chỉ báo đầy hấp dẫn đối với những công ty non trẻ đang nhòm ngó thị trường xe điện.
Tại Trung Quốc, cùng mang niềm tin với xe điện, mùa xuân năm nay, Xiaomi - công ty nắm giữ vị trí thứ 3 về thị phần smartphone trên thế giới, ra thông báo sẽ lấn sân sang làm ô tô điện. Để làm được điều này, công ty Trung Quốc ước tính sẽ đầu tư 10 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
Còn với Huawei, đơn vị này bắt đầu nhen nhóm tiến vào lĩnh vực sản xuất xe thông minh khi hai mảng kinh doanh cốt lõi của họ là viễn thông và smartphone gặp khó trước sức ép từ phía Mỹ. Tham vọng này trở nên rõ ràng hơn từ tháng 11 năm ngoái khi công ty sáp nhập mảng xe thông minh vào phân khúc tiêu dùng.
Mảng kinh doanh mới được đặt dưới sự lãnh đạo của ông Richard Yu Chengdong - người được mệnh danh là "kiến trúc sư" đã đưa Huawei lên đỉnh cao trên thị trường smartphone toàn cầu trong hai thập kỷ qua.
Ông lớn Apple cũng đang nóng lòng cho thấy ý muốn tham gia thị trường xe điện. Tin tức gần đây cho biết hãng đang cố gắng tìm kiếm đối tác để cung cấp các bộ phận ô tô, trong khi bản thân Apple sẽ tập trung vào pin, công nghệ tự lái và các tính năng phần cứng/phần mềm khác.
Tiềm năng thị trường xe điện quá hấp dẫn đến nỗi ngay cả những gã chuyên phần mềm, chưa khi nào đặt chân vào lĩnh vực phần cứng như Alibaba, Tencent Holdings và Baidu cũng đang quay quắt tìm kiếm cơ hội mới, bằng cách tận dụng lợi thế của chính họ trong deep learning và trí tuệ nhân tạo.
Theo Giám đốc điều hành Daimler Ola Kallenius, xe điện chính là cơ hội tạo ra lợi thế ngang bằng cho các công ty công nghệ trước các nhà sản xuất ô tô dày dạn kinh nghiệm như Ford, Toyota, Honda, Fiat Chrysler hay Volkswagen,...
Bởi ngoài phát ưu điểm có thể nghiên cứu, phát triển linh kiện dành cho ô tô điện, các hãng sản xuất smartphone còn sở hữu kinh nghiệm làm phần mềm. Và trên những mẫu ô tô hiện đại, phần mềm là thứ vũ khí mà các hãng ô tô truyền thống không có được.
Thực tế, không có doanh nghiệp nào có thể trụ vững mãi trên đỉnh hoàng kim nếu chỉ ở trong vòng an toàn hoặc đứng một chỗ, dám thử nghiệm, dám dừng lại đúng lúc, song song với việc kiên định mục tiêu là cốt lõi là lựa chọn sống còn của mọi doanh nghiệp. Bài học "chỉ kiên định một chỗ" của Nokia là quá nhãn tiền. Bởi thế, dù đang phát triển rực rỡ nhưng vua thép Hòa Phát đang phải lấn sân sang chăn nuôi, bất động sản; Trường Hải bên cạnh ô tô cũng đầu tư nông nghiệp, phát triển nhà ở…. Sony phải chấp nhận bỏ mặc lĩnh vực âm nhạc kỹ thuật số, điện thoại thông minh và tivi từng là thế mạnh để tập trung cho hướng đi mới mang lại lợi thế cạnh tranh khác biệt là máy chơi điện tử PlayStation.
Quay lại với VinSmart, hiện tại có thể có nhiều tiếc nuối cho một thương hiệu điện thoại Việt đang rất thành công, song đó nhìn rộng hơn đó là bước đi chiến lược cần thiết để dồn lực một thương hiệu Việt khác có khả năng đi xa hơn, bước ra toàn cầu.
Trong quá trình phát triển của mình, Vingroup không ít lần dám thay đổi, thậm chí là thay đổi đột ngột không khỏi khiến công chúng ngỡ ngàng. Điều này đồng thời cho thấy sự nhanh nhạy, quyết liệt và dứt khoát của vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam trong sự nghiệp kinh doanh.
Bản thân Chủ tịch Vingroup cũng đã nói rằng: "Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và sẽ có lẽ không bao giờ có đỉnh. Luôn giữ tinh thần startup, không để xuất hiện suy nghĩ hưởng thụ".
Có thể bạn quan tâm