"Từ khóa" cho động lực tăng trưởng của CTCP FPT (HoSE: FPT) là xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và FPT đang chuyển mình để nắm bắt tốt xu hướng này.
Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2020 với doanh thu thuần đạt 8.667 tỷ đồng tăng 6,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế (LNST) cổ đông công ty mẹ đạt 983 tỷ đồng, tăng 30%.
Trong tháng 12/2020, mảng viễn thông của FPT đạt kết quả khả quan hơn kỳ vọng đạt 1.112 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ và LNTT đạt 221 tỷ đồng, tăng 25,6%. Mảng viễn thông đã hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ Internet và truyền hình Internet trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trái lại, mảng công nghệ đạt kết quả kém kỳ vọng khi doanh thu chỉ đạt 2.184 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ và LNTT đạt 168 tỷ đồng tăng 117,4%. Được biết, các hợp đồng mới triển khai chậm hơn kỳ vọng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục gây khó khăn tại các thị trường chủ chốt của FPT, gồm Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản trong những tháng cuối năm 2020.
Như vậy, lũy kế cả năm 2020, FPT đạt doanh thu thuần 29.830 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ và LNST cổ đông công ty mẹ đạt 3.537 tỷ đồng, tăng 12,8%.
Qua phân tích từ công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, theo vị trí địa lý, động lực tăng trưởng 2020 của FPT chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh thị trường quốc tế như Châu Á – Thái Bình Dương, tăng 10% doanh thu trong khi giảm nhẹ tại thị trường trong nước, khoảng 3%. Đồng thời, lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn do biên lợi nhuận gộp quý 4 tăng lên mức 40% do phân bổ tiền thưởng nhân viên đều, thay vì dồn vào cuối năm như 2019 và chi phí lãi vay giảm 18% so với cùng kỳ.
Đến nay, từ khóa cho động lực tăng trưởng của FPT sẽ là xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và FPT đang chuyển mình để nắm bắt tốt xu hướng này. Các sản phẩm made-by-FPT thành công hiện tại như AkaBot, AkaChain, FPT SPro, FPT Smart Cloud…, việc thắng liên tiếp mega-deals tại Mỹ và thị trường APAC mới đây như cloud, AI phục vụ e-commerce, cùng với mức tăng trưởng vượt trội của doanh thu và lợi nhuận là những minh chứng cho sự chuyển mình của FPT.
Theo đó, định hướng gia tăng tỷ trọng doanh thu từ mảng chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, giải pháp made-by-FPT sẽ tăng cường biên lợi nhuận so với hoạt động gia công phần mềm trước đây. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng chuyển đổi số và công nghệ hóa sẽ tiếp tục tiếp diễn và FPT sẽ nắm bắt được cơ hội này, ở cả thị trường trong và ngoài nước thông qua các kế hoạch M&A quốc tế sắp tới.
Ngoài ra, mảng viễn thông vẫn còn nhiều thặng dư để khai thác, trong đó, mảng truyền hình với Pay TV ước tính đã gần đến điểm hòa vốn và có lãi trong 2021.
Ông Trương Sỹ Phú, chuyên viên phân tích công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, dù ảnh hưởng của COVID-19 khiến tăng trưởng của FPT chậm lại trong 2020, nhưng BVSC vẫn đánh giá rất cao những gì công ty đã đạt được trong năm qua. Đặc biệt với những tín hiệu tích cực từ tăng trưởng về số lượng cũng như quy mô các hợp đồng ký mới trong và ngoài nước, FPT sẽ tiếp tục đạt được tăng trưởng 2 chữ số trong năm 2021 theo đà hồi phục chung của kinh tế toàn cầu, cũng như nhu cầu đầu tư cho công nghệ của các doanh nghiệp. BVSC đã nâng giá mục tiêu của cổ phiếu FPT lên 78.400 đồng/cp bằng phương pháp DCF và tiếp tục duy trì khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, ở mức giá đóng cửa hiện tại, FPT đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 14.6x, tương ứng EPS TTM là 4.516 VNĐ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu FPT đóng cửa ở mức 70.000đ/cp, tăng mạnh 6,06% so với phiên trước đó.
Mức Stock Rating của FPT đạt 86 điểm, tuy nhiên sức mạnh giá vẫn dưới 80 điểm cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên xem xét tỷ trọng thấp dưới 20% và tăng dần khi sức mạnh giá cải thiện trên 80 điểm.
“Đồ thị giá của FPT có dấu hiệu thoát khỏi giai đoạn đi ngang và đồ thị vượt lên trên đường trung bình 20 ngày. Đồng thời, xu hướng ngắn hạn của FPT cũng được nâng từ mức giảm lên tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại”, ông Minh khuyến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Khách hàng sẽ quyết định đâu là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu năm 2021
20:59, 08/01/2021
VNPT là đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á
11:11, 15/12/2020
Bệnh viện đa khoa Lai Châu: Hướng tới bệnh viện thông minh
11:19, 19/10/2020
Rác viễn thông vẫn “tấn công” người dùng di động?
05:00, 07/10/2020