Dự thảo Luật Thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra một khung pháp lý đồng bộ, bịt các lỗ hổng pháp lý và bảo vệ lợi ích của các bên trong môi trường kinh doanh số.
Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức nghiên cứu thị trường uy tín đánh giá cao (xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô năm 2024 và xếp thứ 5 trên thế giới về tốc độ tăng trưởng năm 2022). Quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử tăng trưởng nhanh chóng từ 2,97 tỷ đô la Mỹ năm 2014 đến 25 tỷ đô năm 2024, trung bình tăng trưởng 20-30% cả giai đoạn, đóng góp 10% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2024.
Thị trường thương mại điện tử là điểm đầu tư hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp người tiêu dùng Việt Nam trở thành người tiêu dùng toàn cầu, có thể tiếp cận với cả các sản phẩm đa dạng và phong phú cả trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã tận dụng được các nền tảng hiện đại để phát triển kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của lĩnh vực này lại đang đi nhanh hơn khung khổ pháp lý. Hiện nay, các quy định về thương mại điện tử chủ yếu mới dừng ở cấp nghị định, chưa đủ tầm bao quát các vấn đề phức tạp mang tính đa ngành. Thực tiễn quản lý cho thấy nhiều mô hình kinh doanh mới, đa dạng chủ thể, phức tạp về bản chất đã bộc lộ hàng loạt lỗ hổng pháp lý: hàng giả, hàng cấm, vi phạm sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử xuyên biên giới không được kiểm soát triệt để...
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đưa Dự thảo Luật Thương mại điện tử vào Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) theo quy trình rút gọn. Với 6 nhóm chính sách và 4 mô hình kinh doanh, dự luật này được kỳ vọng sẽ lập lại kỷ cương, trật tự kinh doanh trên không gian số.
Theo Luật sư Bùi Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, luật không chỉ để siết mà để tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện phát triển thị trường thương mại điện tử có trật tự, có trách nhiệm và bền vững.
Do vậy, ông Đức nhấn mạnh, Dự thảo Luật Thương mại điện tử cần đạt mục tiêu quan trọng là tăng hiệu lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong bối cảnh số hóa toàn diện, qua đó khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, cạnh tranh lành mạnh; bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, đồng bộ.
“Nhiều influencer hiện nay hành xử như doanh nghiệp nhưng lại thiếu trách nhiệm thông tin như một nhà kinh doanh thực thụ. Đây là lỗ hổng cần sớm được kiểm soát”, Luật sư Bùi Văn Đức bày tỏ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nhận định, một trong những thách thức lớn hiện nay là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành để thực hiện giám sát hiệu quả thương mại điện tử, nhất là trong quản lý thuế, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và ngăn chặn gian lận. Luật Thương mại điện tử không thể tách rời khỏi những luật chuyên ngành như các luật thuế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Luật Giao dịch điện tử… Việc xây dựng luật cần hướng đến kiến tạo một hạ tầng thể chế số đồng bộ, liên thông, nhằm kiểm soát rủi ro nhưng không cản trở đổi mới sáng tạo.
Được biết, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu quản lý, đòi hỏi tư duy mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần quán triệt, cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi số; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay, vừa khuyến khích, kiến tạo phát triển, thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số, vừa thiết kế công cụ để quản lý, kiểm tra, giám sát, trong đó có quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý thuế, hạn chế được những mặt trái của thương mại điện tử, phòng chống buôn lậu, lừa đảo, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.