Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Thương mại điện tử: Còn nhiều vấn đề cần được cân nhắc

Gia Nguyễn 13/07/2025 04:15

Được cho là giải pháp thiết thực nhằm quản lý và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, tuy nhiên, Dự thảo Luật Thương mại điện tử vẫn còn không ít vấn đề cần được cân nhắc hoàn thiện.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo Luật Thương mại điện tử. Dự thảo Luật được xây dựng dựa trên thực tiễn phát triển và các chủ trương đã được Chính phủ thông qua.

du-thao-luat-thuong-mai-dien-tu-12.7.1.jpg
Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi - Ảnh minh họa: ITN

Nội dung Dự thảo Luật tập trung vào 06 nhóm chính sách lớn, bao quát từ việc hoàn thiện quy định về các chủ thể và trách nhiệm trong hoạt động thương mại điện tử, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xuyên biên giới, cho đến việc bổ sung quy định cho các mô hình mới như nền tảng số đa dịch vụ và mạng xã hội…

Cụ thể, Dự thảo Luật Thương mại điện tử đưa ra quy định về trách nhiệm của chủ thể thể vận hành nền tảng mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là những nền tảng có chức năng như đặt hàng, liên lạc trực tuyến, livestream bán hàng, chốt đơn qua nhóm kín, hoặc tích hợp dịch vụ vận chuyển, thanh toán, giao đồ ăn, đặt xe…

Theo đó, các nền tảng này trước hết phải xác thực danh tính điện tử của người bán trong nước và yêu cầu người bán nước ngoài cung cấp giấy tờ pháp lý đã được hợp pháp hóa lãnh sự.

Không chỉ có vậy, các nền tảng phải bắt buộc kiểm duyệt nội dung do người bán đăng tải và chỉ cho phép hiển thị sau khi thông qua nhằm chống hàng giả và quảng cáo sai sự thật.

du-thao-luat-thuong-mai-dien-tu-12.7.2.jpg
Dù đã có những chính sách nhất định trong quản lý và thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được cân nhắc hoàn thiện - Ảnh minh họa: ITN

Đồng thời, Dự thảo cũng quy định nghĩa vụ thiết lập cơ chế xử lý vi phạm nhanh, gỡ bỏ thông tin sai phạm trong 24 giờ khi có yêu cầu và hợp tác cung cấp dữ liệu điều tra.

Đối với nền tảng có chức năng đặt hàng, Dự thảo Luật cũng yêu cầu phải có trách nhiệm hỗ trợ giải quyết tranh chấp và tổ chức thu hồi sản phẩm lỗi.

Ngoài ra, để bảo vệ người bán Dự thảo Luật yêu cầu nền tảng phải thông báo trước trước ít nhất năm ngày nếu có ý định tạm ngừng hoặc hạn chế tài khoản của người bán (trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước) và cho phép họ truy xuất dữ liệu giao dịch ngay cả khi tài khoản bị khóa…

Đánh giá cao về những nội dung được cơ quan soạn thảo đề xuất đưa vào trong nội dung Dự thảo Luật, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, tham gia góp ý, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật vẫn còn đó không ít tồn tại, hạn chế cần được cân nhắc hoàn thiện.

Theo ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ sở hữu nền tảng trong kiểm soát hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Với thương mại điện tử xuyên biên giới, cần có quy định cụ thể để kiểm soát hàng hóa nhập qua nền tảng số, tránh gian lận và thất thu thuế. Đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý cho các dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử như: logistics, thanh toán, định danh điện tử…

Trong khi đó, nhấn mạnh yếu tố công bằng, tham gia góp ý Dự thảo Luật, đại diện Shopee cho rằng, nếu doanh nghiệp nội địa phải đáp ứng hàng loạt điều kiện pháp lý khi hoạt động thương mại điện tử, doanh nghiệp xuyên biên giới cũng cần chịu trách nhiệm tương xứng khi tham gia vào xuất khẩu tại Việt Nam.

Vị đại diện Shopee đề xuất, bổ sung vào Điều 31 của Dự thảo một điều khoản bắt buộc các nền tảng xuyên biên giới khi đạt quy mô lớn phải được đánh giá an ninh mạng và chấp thuận từ Bộ Công an, giống như các nền tảng nội địa có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, đề xuất chỉ cho phép mỗi nền tảng xuyên biên giới chỉ định một pháp nhân ủy quyền duy nhất tại Việt Nam, nhằm đảm bảo trách nhiệm liên đới và tránh tình trạng chuyển đổi đại diện để né tránh nghĩa vụ pháp lý…

Liên quan đến góc độ quản lý Nhà nước, tham gia góp ý, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng cổng thanh toán thương mại điện tử xuyên biên giới do Ngân hàng Nhà nước chủ trì. Cổng này sẽ hỗ trợ truy vết dòng tiền hiệu quả hơn, xử lý vướng mắc trong xác định doanh thu và nghĩa vụ thuế giữa các nhà cung cấp trong và ngoài nước.

Cùng với đó, cơ quan này cũng đề xuất thay cụm từ “dịch vụ trung gian thanh toán” bằng “dịch vụ thanh toán thương mại điện tử”; áp dụng biểu mẫu thống nhất cho báo cáo định kỳ, làm rõ khái niệm “tài khoản người dùng”; đồng thời đồng bộ dữ liệu giữa Thuế, Hải quan và các cơ sở dữ liệu quốc gia để giảm chồng chéo và tăng hiệu quả phối hợp.

Được biết, tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Dự thảo Luật Thương mại điện tử là một trong 04 Dự án Luật được đề xuất bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Thương mại điện tử: Còn nhiều vấn đề cần được cân nhắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO