VCCI kiến nghị bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết trong hoạt động thương mại điện tử nhằm giảm gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh các kiến nghị về việc bãi bỏ những thủ tục không cần thiết trong lĩnh vực khí và xăng dầu, góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương (Dự thảo), VCCI chỉ ra nhiều bất cập trong một số thủ tục trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Ban hành trong giai đoạn đầu phát triển thương mại điện tử, Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định khá nhiều thủ tục hành chính với phần lớn các hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp, cá nhân. Do đó, nhà làm luật đã đặt ra khá nhiều thủ tục hành chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử từ sớm. Tuy nhiên, qua hơn thập kỷ phát triển, thương mại điện tử đã và đang trở thành xu hướng tất yếu với sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh. Các biện pháp và phương thức kiểm tra, giám sát ngày càng hoàn thiện, đồng thời, kiến thức và kỹ năng của người tiêu dùng cũng tốt hơn trước rất nhiều.
Trong bối cảnh đó, VCCI cho rằng cần đánh giá lại mức độ rủi ro thực tế, từ đó chuyển hướng quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời mạnh dạn bãi bỏ những thủ tục không còn mang lại giá trị quản lý nhà nước rõ ràng.
Một trong những thủ tục đang gây phiền hà lớn cho doanh nghiệp là yêu cầu thông báo với Bộ Công Thương khi vận hành website thương mại điện tử bán hàng. Đây là loại website do thương nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động kinh doanh của chính mình tức chỉ là một kênh bán hàng mới (trên internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới. Về bản chất, doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký kinh doanh, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định pháp luật. Do đó, việc yêu cầu thêm một thủ tục thông báo riêng khi sử dụng kênh bán hàng trực tuyến là không cần thiết và tạo gánh nặng hành chính.
Trước đây, Nghị định 52/2013/NĐ-CP yêu cầu mọi website thương mại điện tử bán hàng phải thực hiện thủ tục thông báo, dù chỉ có các tính năng đơn giản như giới thiệu sản phẩm. Sau đó, Nghị định 85/2021/NĐ-CP giảm phạm vi xuống các website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên, VCCI cho rằng điều chỉnh này không mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử đang bùng nổ.
Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện có khoảng 44% doanh nghiệp sở hữu website, trong đó 42% website có tính năng đặt hàng trực tuyến. Chỉ riêng năm 2023, đã có hơn 105.000 hồ sơ thông báo được nộp. Trong khi đó, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc doanh nghiệp không thông báo website thương mại điện tử gây ra tác động tiêu cực đến xã hội hay thị trường.
VCCI khẳng định, thủ tục này không tạo thêm giá trị cho công tác quản lý, đồng thời cản trở doanh nghiệp trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử. Do đó, VCCI đề nghị bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website thương mại điện tử bán hàng thay vì chỉ điều chỉnh phân cấp như đề xuất tại Dự thảo. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm.