Kiến nghị

Đề xuất bãi bỏ giấy phép kinh doanh rượu

Yến Nhung 07/07/2025 04:00

VCCI kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn các giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Trả lời Công văn số 74/HĐTV của Hội đồng Tư vấn cải cách Thủ tục hành chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra hàng loạt kiến nghị nhằm xóa bỏ các thủ tục không cần thiết, giảm gánh nặng tuân thủ và thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

5faf7d03d39faaac607b2721_1rxvdmpd8-fxrmwjx46aduivagmlldqx_5aorbmwvn-n-bwrglerudtm_i9rdh2w5drro88tkgzve1hkzcku0i4p8pygdj5a8wmkojolbsdszni6ee8cdbn9yuz5f9_lgnry5nq4.jpeg
VCCI góp ý Dự thảo Quyết định phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công Thương - Ảnh: ITN

Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu, VCCI cho rằng các yêu cầu về giấy phép phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu hiện nay mang tính hình thức, không nhằm kiểm soát các rủi ro đáng kể cho lợi ích công cộng.

Theo quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, Nghị định 17/2020/NĐ-CP các hoạt động phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu phải xin giấy phép kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh đối với các hoạt động này gần như không có bất kì đặc thù nào của một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, có nghĩa là các điều kiện này không rõ kiểm soát yếu tố nào trong các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020.

Cụ thể, điều kiện để được cấp giấy phép phân phối rượu yêu cầu doanh nghiệp phải có hệ thống phân phối tại ít nhất 02 tỉnh thành, mỗi tỉnh phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn hoặc chi nhánh kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải cung cấp văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc với thương nhân sản xuất hoặc nhà cung cấp rượu trong và ngoài nước. Yêu cầu tương tự cũng được áp dụng cho hoạt động bán buôn và bán lẻ rượu.

Tuy nhiên, theo VCCI, phân phối là hoạt động đưa sản phẩm ra thị trường. Thương nhân phân phối có thể bán cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ, thương nhân bán rượu tại chỗ. Với tính chất này thì không cần thiết phải yêu cầu tổ chức theo hình thức phân phối cố định nào, hoạt động như thế nào tùy thuộc vào nhu cầu kinh doanh, yếu tố thị trường và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Việc Nhà nước can thiệp vào việc yêu cầu thương nhân phải tổ chức mô hình phân phối nào là không cần thiết.

Tương tự, điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp rượu ngay tại thời điểm xin phép cũng được cho là thiếu hợp lý. Trong thực tế, việc thay đổi nhà cung cấp diễn ra thường xuyên theo biến động thị trường. Nếu mỗi lần thay đổi nhà cung cấp, doanh nghiệp phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép sẽ tạo ra khối lượng lớn thủ tục hành chính không cần thiết. Việc Dự thảo đề xuất bỏ điều kiện này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.

thu-tuc-dang-ky-kinh-doanh-ruou-vang.jpg
VCCI kiến nghị bãi bỏ hoàn toàn các giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu - Ảnh: ITN

Những phân tích tương tự cũng được áp dụng cho điều kiện bán buôn và bán lẻ rượu. Đang chú ý, đối với bán lẻ rượu, các điều kiện hiện hành như phải có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng; có hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp… là những tiêu chí phổ biến, không mang tính đặc thù của ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi bản thân rượu là hàng hóa đã được kiểm soát như thực phẩm, với các quy định về ghi nhãn, công bố chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Theo VCCI, việc áp giấy phép đối với các hoạt động trung gian như phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu không giúp kiểm soát hiệu quả các rủi ro về sức khỏe cộng đồng là lý do chính để quy định điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, các yếu tố rủi ro này đã được kiểm soát từ đầu chuỗi, tức ở khâu sản xuất, thông qua các quy định về chất lượng sản phẩm thực phẩm.

Vì vậy, để đảm bảo đúng tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đồng thời phân định rõ ràng ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, VCCI kiến nghị bỏ hoàn toàn giấy phép kinh doanh đối với hoạt động phân phối, bán buôn và bán lẻ rượu, thay vào đó áp dụng cơ chế hậu kiểm trong trường hợp cần thiết.

Ngoài ra, đồng thuận với việc kiểm soát chặt chẽ thuốc lá, song VCCI cho rằng, việc yêu cầu doanh nghiệp xin chấp thuận khi đổi mới thiết bị, công nghệ hoặc sang nhượng máy móc là không cần thiết. Thực tế, tổng sản lượng thuốc lá tiêu thụ đã được Nhà nước khống chế bằng hạn mức. Vì vậy, can thiệp thêm vào hoạt động đầu tư máy móc, công nghệ là không phù hợp, gây cản trở phát triển và đổi mới sản xuất của doanh nghiệp.

VCCI đề xuất bỏ quy định doanh nghiệp phải xin phép khi thay đổi thiết bị, công nghệ hoặc thanh lý máy móc, để doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất bãi bỏ giấy phép kinh doanh rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO