VCCI cho rằng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu minh bạch và cần điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra nhiều ý kiến đáng chú ý, tập trung vào việc hoàn thiện quy định để đảm bảo tính minh bạch, hợp lý và phù hợp với thực tiễn quản lý.
Cụ thể, tại Điều 7 của Dự thảo, VCCI cho rằng, quy định xử phạt vi phạm đối với cơ sở đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ khi không đáp ứng điều kiện theo quy định liên quan đến đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Tuy nhiên, việc không kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả hoặc xử phạt bổ sung khiến quy định này chưa đầy đủ. Do đó, VCCI đề nghị, bổ sung các biện pháp nêu trên nhằm tăng tính răn đe và đảm bảo hiệu quả thực thi.
Bên cạnh đó, một số khái niệm tại Điều 9 Dự thảo chưa rõ ràng, có thể tạo nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng, cụ thể “không bổ sung hoặc sữa chữa kịp thời theo quy định các biển báo hiệu nguy hiểm đã bị mất ….” (điểm a khoản 3); “không phát hiện hoặc không có biện pháp ngăn chặn, báo cáo kịp thời các hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép …” (điểm b khoản 3); “di chuyển chậm trễ các công trình, nhà, lều quán xây dựng trái phép …” (điểm a khoản 4). Theo VCCI, “kịp thời”, “chậm trễ” là các khái niệm chung chung, mang tính chất định tính. Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị thay bằng các quy định rõ ràng về mặt thời gian để tránh cách hiểu tùy tiện giữa các đối tượng áp dụng.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 9 xử phạt cả “người điều khiển phương tiện” và “chủ phương tiện” khi xe không trả tiền sử dụng đường bộ gây ùn tắc là chưa hợp lý. VCCI cho rằng, trong trường hợp chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện khác nhau, các hành vi quy định tại khoản 5 do người điều khiển phương tiện vi phạm chứ không phải là chủ phương tiện, xử phạt đối với chủ phương tiện là chưa phù hợp (kể cả đối với hành vi “xe có dán thẻ đầu cuối nhưng tài khoản không đủ trả tiền sử dụng đường bộ gây ùn tắc giao thông tại khu vực trạm thu phí”, có thể tài khoản thanh toán là của chủ phương tiện, nhưng người điều khiển phương tiện phải ý thức được nghĩa vụ trả tiền khi qua các trạm thu phí để có nghĩa vụ bổ sung tiền vào tài khoản này). Đề xuất được đưa ra là “phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau”.
Tại Điều 11, quy định xử phạt lái xe không mặc đồng phục hoặc không đeo thẻ tên theo mẫu bị cho là mang tính nội bộ doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến quản lý hành chính nhà nước. Do đó, VCCI đề xuất loại bỏ quy định này.
Đối với hành vi “thu tiền vé cao hơn quy định”, VCCI cho rằng giá vé vận tải hành khách theo tuyến cố định không thuộc loại dịch vụ do Nhà nước định giá. Vì vậy, nên sửa lại thành “thu tiền vé cao hơn giá niêm yết/công bố” để phù hợp với cơ chế thị trường hiện hành.
Nhiều nội dung khác cũng được VCCI góp ý theo hướng điều chỉnh hoặc bãi bỏ liên quan đến xử phạt các hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (Điều 12); xử phạt nhân viên phục vụ trên xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (Điều 13).