Dù thể hiện được các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan, thế nhưng, theo VCCI, Dự thảo Nghị định về kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ chưa đảm bảo tinh thần cải cách...
>> Dự thảo Nghị định về kinh doanh lĩnh vực hàng hải chưa đảm bảo tinh thần cải cách
Trả lời Công văn số 222/GM-BTP của Bộ Tư pháp về việc mời tham gia cuộc họp thẩm định đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, về cơ bản, Dự thảo đã thể hiện được các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường bộ thể hiện tại Quyết định 1977/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, để đảm bảo tinh thần cải cách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo xem xét mở rộng việc sửa đổi các quy định so với các đề xuất tại Quyết định 1977/QĐ-TTg.
Cụ thể, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 125/2018/NĐ-CP, Nghị định 64/2016/ND-CP, Nghị định 11/2020/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Trong đó, về thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại Giấy chấp thuận cơ sở đào tạo, khoản 4 Điều 12b quy định, thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đào tạo trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, bị hư hỏng là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Theo VCCI, đây là thủ tục rất đơn giản, vì vậy cần cân nhắc rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục từ 07 ngày xuống còn 05 ngày.
Bên cạnh đó, về điều kiện của học viên tham gia đào tạo thẩm tra viên an toàn giao thông đường bộ, điểm b khoản 2 Điều 12c quy định, học viên phải “có năng lực hành vi dân sự; có đủ sức khỏe”.
VCCI cho rằng, đây là điều kiện không cần thiết, vì là đương nhiên. Các phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong nhiều ngành, lĩnh vực có nhiều đề xuất cắt giảm dạng điều kiện này và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này tại Dự thảo.
Về sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe và dịch vụ sát hạch lái xe.
Theo đó, Điều 3 Dự thảo sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP theo hướng “Có xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe; được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xe tập lái; …”. VCCI cho rằng, quy định này cần được xem xét ở các điểm như:
Điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP. Dự thảo sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP nhưng không bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị định 138/2018/NĐ-CP sẽ tạo ra sự xung đột pháp luật. Đề nghị bỏ quy định tại Nghị định 138/2018/NĐ-CP.
Quy định trên cũng chưa thống nhất với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 65/2016/NĐ-CP về xe tập lái, cụ thể: điểm a yêu cầu “xe tập lái các hạng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe” trong khi đó điểm b lại yêu cầu xe tập lại “thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo lái xe”.
Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại trong chính quy định tại khoản 2 về xe tập lái để đảm bảo tính thống nhất.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị định về kinh doanh lĩnh vực hàng hải chưa đảm bảo tinh thần cải cách
03:30, 13/06/2022
Dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế: Còn thiếu đồng bộ, thống nhất
00:06, 09/04/2022
Dự thảo Nghị định về an ninh mạng còn một số quy định trùng lặp
03:50, 15/02/2022
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về Luật Chăn nuôi còn một số hạn chế
04:00, 12/01/2022
Một số quy định tại Dự thảo Nghị định về quản lý Hải quan còn chưa phù hợp
04:00, 21/12/2021