Đó là sáng chế cho ý tưởng “nghe” khách trò chuyện trong xe để cá nhân hóa quảng cáo. Quảng cáo trên ô tô được cho là một "mỏ vàng" chưa khai thác.
Khi ngồi trên ô tô, chúng ta có xu hướng trò chuyện cùng nhau, chia sẻ những câu chuyện thú vị và cả những câu chuyện riêng tư. Thế nhưng gần đây, Ford có ý định ghi âm lại các cuộc hội thoại này, sau đó bán dữ liệu cho các doanh nghiệp nhằm phục vụ mục đích quảng cáo. Bằng sáng chế này đánh dấu sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp ô tô, cho thấy các nhà sản xuất ô tô càng ngày càng “sáng tạo” ra nhiều cách kiếm tiền từ dữ liệu người dùng.
Theo đơn đăng ký, công nghệ này nhằm mục đích “tối ưu hoá hoạt động quảng cáo” bằng cách sử dụng các thuật toán dự đoán để xác định thời gian và cách thức quảng cáo. Ví dụ, nếu trên xe hành khách đang trò chuyện, hệ thống sẽ phát quảng cáo âm thanh thay vì quảng cáo hình ảnh để thu hút sự chú ý hơn.
Cùng với đó, dựa vào lộ trình đi của chiếc xe, hệ thống quảng cáo trên xe sẽ tự động phát các quảng cáo có liên quan. Hệ thống phân tích một số yếu tố để tùy chỉnh quảng cáo, chẳng hạn như vị trí, tốc độ, loại đường và tình trạng giao thông của xe.
Gây tranh cãi hơn, đơn xin cấp bằng sáng chế cho thấy hệ thống có thể theo dõi các cuộc trò chuyện trong xe nhằm xác định các từ khóa đánh dấu điểm đến hoặc sở thích của họ. Sau đó, hệ thống sẽ điều chỉnh các quảng cáo phù hợp. Ví dụ điểm đến là một trung tâm thương mại, hệ thống sẽ phát các quảng cáo liên quan đến trung tâm đó.
Đơn đăng ký cũng đề cập đến việc sử dụng dữ liệu người dùng trong quá khứ và thông tin ứng dụng của bên thứ ba để điều chỉnh mục tiêu quảng cáo.
Ford đã bảo vệ lý do đằng sau đơn đăng ký bằng sáng chế.
“Việc doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bằng sáng chế là một điều hết sức bình vì quy trình này bảo vệ các ý tưởng mới và giúp doanh nghiệp xây dựng danh mục sở hữu trí tuệ rõ ràng”, một phát ngôn viên của Ford nói với The Record.
Ford cũng nhấn mạnh việc nộp đơn đăng ký bằng sáng chế không có nghĩa là nhà sản xuất ô tô này có ý định triển khai hệ thống này. Tất nhiên, nhà sản xuất ô tô của Mỹ có thể triển khai hệ thống này dưới một hình thức nào đó dựa trên bằng sáng chế này.
Trong một tuyên bố tiếp theo, Ford cho biết “khi phát triển và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ mới, Ford sẽ luôn đặt khách hàng lên hàng đầu”. Tuy nhiên, đơn đăng ký bằng sáng chế lại không đưa ra thông tin chi tiết về các biện pháp bảo vệ dữ liệu.
Cũng cần lưu ý rằng trước đây, giới truyền thông đã phát hiện các nhà sản xuất ô tô bán dữ liệu về thói quen lái xe của người dùng cho các công ty bảo hiểm, công ty dùng dữ liệu này để thiết lập mức phí bảo hiểm. Điều này cho thấy họ tận dụng dữ liệu người dùng để tiếp thị cho các bên quan tâm khác ngoài các nhà quảng cáo.
Mảng quảng cáo ở trên xe được coi là một "mỏ vàng" chưa được khai thác. GM đã từng thu thập dữ liệu các hoạt động trên xe, ví dụ như tài xế nghe nhạc gì, đi những đâu, dừng ở trạm xăng nào, v.v.. Những dữ liệu này được cho là để GM phân tích hành vi khách hàng để quảng cáo nhắm mục tiêu.
Hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi cũng đã lắp hàng loạt máy tính bảng trên xe và phát quảng cáo được tùy biến theo cung đường và một số tiêu chí khác. Ví dụ khi xe chạy đến khu vực nào thì trên màn hình sẽ hiện quảng cáo những điểm du lịch, những nhà hàng tương ứng ở khu vực đó.
Hai hãng gọi xe ở Mỹ là Uber và Lyft cũng đã thử nghiệm quảng cáo trên xe. Tương tự như Didi, màn hình cũng dựa vào nhiều tiêu chí như thời gian, địa điểm hay lộ trình xe để hiển thị quảng cáo nhà hàng, điểm du lịch hay thậm chí mời cả khách mua vé máy bay.
Như đã biết, muốn quảng cáo nhắm trúng được đối tượng mục tiêu thì có đủ dữ liệu là điều kiện không thể thiếu. Đó là lí do mà Ford hay GM đang tìm cách thu thập dữ liệu trong xe của mình.
Việc nộp đơn xin cấp bằng sáng chế nghe lén trong xe hơi mới chỉ dừng lại ở bước đăng ký, Ford chưa công bố chính thức sẽ cài đặt ứng dụng này lên xe. Song, rất có thể việc triển khai bằng sáng chế này vào thực tế sẽ còn nhiều khó khăn.