Việt Nam cần cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng.
>>Gạo khan hiếm và cơ hội của Việt Nam
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ về xuất khẩu gạo năm 2024 được dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 13/3 giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức 579 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 557 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 478 USD/tấn.
Dự báo mặt bằng giá gạo xuất khẩu trong năm 2024 vẫn ở mức cao, khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu. Đây là tín hiệu đáng mừng sau chuỗi ngày giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh.
Chia sẻ về tín hiệu thị trường gạo nửa đầu năm 2024, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam nhận định tình hình tiếp tục thuận lợi.
“Tuy nhiên, Hiệp hội đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, đảm bảo gia tăng về giá trị hơn gia tăng về số lượng”, ông Đỗ Hà Nam nói.
Đồng thời, VFA cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại gạo xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Gạo hiện vẫn là mặt hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam. Cho nên, thời gian tới cơ hội sản xuất, kinh doanh còn rất lớn.
“Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng nắm bắt thông tin, thích ứng linh hoạt trước mọi diễn biến của thị trường toàn cầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và gia tăng giá trị xuất khẩu một cách bền vững”, ông Đỗ Hà Nam nhấn mạnh.
>>Đề xuất giảm lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
>>Xuất khẩu gạo tiếp đà tăng tốc năm 2024
Các chuyên gia khuyến cáo, giá gạo xuất khẩu tăng cao trước tác động của tình hình lương thực toàn cầu, nhưng ngành gạo được "nhắc nhở" cần kiên trì tổ chức sản xuất hiệu quả theo hướng tăng chất lượng, giữ đơn hàng và thị trường.
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân-chuyên gia nông nghiệp, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị.
Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được khuyến cáo cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.
Vẫn theo GS.TS Võ Tòng Xuân, trong bối cảnh thị trường gạo biến động và khó đoán định, ngành sản xuất lúa gạo trong nước phải tổ chức sản xuất tốt, bảo đảm chất lượng hạt gạo và thương hiệu sản phẩm, giữ vững an ninh lương thực trong mọi tình huống, giữ đơn hàng và giữ được thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp, địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch các vùng trồng, vùng nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất, tổ chức sản xuất, xuất khẩu theo chuỗi liên kết, quy mô lớn, tập trung.
"Đặc biệt, phải gắn sản xuất với với tín hiệu của thị trường, liên kết nông dân bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới, các khâu sản xuất, thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ được đặt trong một chuỗi giá trị”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 04/03/2024
03:30, 29/12/2023
10:00, 18/12/2023
03:00, 08/10/2023
05:00, 23/08/2023