Giá dầu thế giới và giải pháp ứng phó của Việt Nam

ĐỨC HẠNH thực hiện 10/09/2022 04:00

Ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia khẳng định: Trước những biến động thế giới, Việt Nam cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

>> Quản lý thị trường xăng dầu: Làm gì để giảm hỗn loạn?

- Giá dầu trong nước và thế giới đã và đang biến động rất phức tạp trong thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về diễn biến này?

Sau khi xung đột tại Ukraine diễn ra, giá dầu tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng đột biến khoảng 60% và đạt đỉnh của 14 năm vào tháng 3/2022, có thời điểm vượt mốc 120 USD/thùng.

Mặc dù vậy, giá dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tính tới ngày 6/9/2022, giá dầu đã giảm hơn 30% so với đỉnh vào tháng 3/2022. Giá dầu Brent hiện đang giao dịch quanh mức 93 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI chỉ dưới 87 USD/thùng. Sở dĩ giá dầu giảm thời gian gần đây do một số yếu tố.

Thứ nhất, nguồn cung dầu được cải thiện. Mỹ hiện đang gây áp lực đối với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm tăng sản lượng để giúp kìm hãm đà tăng của giá dầu. Công suất lọc dầu cũng đang tăng lên ở Trung Đông, Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi. Các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới cũng đã đồng ý tăng sản lượng khai thác để giúp giảm giá tăng cao.

Thứ hai, triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm khiến nhu cầu dầu giảm và kéo giá dầu thế giới đi xuống. Các số liệu tăng trưởng kinh tế thế giới quý II/2022 cho thấy nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu: Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng âm hai quý liên tiếp, giảm 1,6% trong quý I/2022 và 0,9% trong quý II/20022; kinh tế Nhật Bản quý II/2022 sụt giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, chỉ 0,4% trong quý II/2022 do chính sách zero-COVID.

Thứ ba, NHTW các nước lớn như Mỹ, EU,… tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới và có thể khiến giá dầu thế giới giảm.

Thứ tư, khả năng Mỹ và Iran khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Khi đó, có thêm nguồn cung từ Iran, khiến gia dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ không xem xét việc tiếp tục nhượng bộ Iran để đáp lại một dự thảo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran và khả năng xuất khẩu dầu thô của thành viên OPEC.

- Với những yếu tố tác động nói trên, ông nhận định thế nào về triển vọng giá dầu từ nay đến cuối 2022?

Giá dầu có thể giảm hơn nữa nếu thỏa thuận hạt nhân Iran được hồi sinh theo đề xuất của EU, theo đó xuất khẩu xăng dầu tiềm năng của Iran có thể tăng ít nhất một triệu thùng/ngày. Mặc dù vậy, khả năng giá dầu tăng trở lại trong quý IV/2022 cũng khá cao do:

Thứ nhất, nhu cầu có thể tăng vào mùa đông khi nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm tăng cao, đặc biệt là tại châu Âu.
Thứ hai, Trung Quốc đang dần nới lỏng kiểm soát dịch và có thể sẽ mở cửa trở lại các thành phố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, bất chấp sức ép từ Mỹ, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã giảm tốc độ tăng sản lượng khai thác dầu từ hơn 600 nghìn thùng/ngày vào tháng 7 và 8/2022 xuống còn hơn 100 nghìn thùng/ngày vào tháng 9. Ả Rập Saudi mới đây cho biết OPEC sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu bất cứ lúc nào. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu giải quyết vấn đề gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.

Việt Nam cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Việt Nam cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Thứ tư, số liệu của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy nguồn cung có khả năng thu hẹp. Đến ngày 19/8, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 3,3 triệu thùng, còn tiêu thụ nhiên liệu thực tế tại Mỹ giảm mạnh 1,9 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là yếu tố khiến giá dầu thế giới tăng.

Thứ năm, căng thẳng Nga – Ukraine, cùng các biện pháp trừng phạt/cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với Nga cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến giá dầu (và cả khí đốt) tăng mạnh.

>> Quản lý thị trường xăng dầu: Không thể để doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều đầu mối

Giá dầu thế giới nhiều khả năng sẽ tăng trở lại sau khi giảm sâu, ít nhất trong ngắn hạn khi mùa đông sắp tới. Năm 2023, giá dầu sẽ giảm so với năm 2022.

Năm điểm phân tích ở trên cho thấy giá dầu thế giới có nhiều khả năng sẽ tăng trở lại sau khi giảm sâu, ít nhất là trong ngắn hạn khi mùa đông sắp tới. Đối với năm 2023, giá dầu dự báo sẽ giảm so với 2022, nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu của các nước hồi phục sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch.

- Thưa ông, giá dầu biến động phức tạp như vậy, đã và sẽ tác động thế nào đến kinh tế vĩ mô Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần có chính sách gì để giảm thiểu tác động này?

Định lượng tác động của giá dầu thế giới tăng trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine cho thấy, với giả định giá dầu thế giới tăng 40 USD/thùng, cùng với (1) Rủi ro đầu tư tại Nga tăng 4 điểm phần trăm, tại Ukraine tăng 2 điểm phần trăm và tại EU tăng 0,5 điểm phần trăm; (2) Chi tiêu Chính phủ của EU cho các nước ngoài EU tăng 0,5% GDP; (3) Xuất khẩu của Nga và các nước phát triển trong EU giảm 30 điểm % năm 2022 và sau đó tăng về kịch bản cơ sở; (4) cú sốc tỷ giá RUB trong hai năm 2022 và 2023; (5) Nhập cư từ Nga sang Ba Lan, Đức, thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,84 điểm% so với tăng trưởng kinh tế trong trường hợp không có căng thẳng Nga – Ukraine xảy ra; lạm phát tại Việt Nam tăng thêm 1,8 điểm % năm 2022 và 1,62 điểm % trong năm 2023.

Giá dầu thô thế giới tăng mạnh có tác động hai chiều tới thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, thu NSNN từ dầu thô, khí thiên nhiên và chế biến dầu khí, XNK tăng. Tuy nhiên, giá xăng tăng làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, làm suy giảm sức mua và thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, tác động tiêu cực tới thu NSNN và tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, giảm thuế bảo vệ môi trường cũng làm giảm thu NSNN.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cần phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp đầu mối, cơ sở phân phối bán lẻ xăng dầu, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, hoạt động không đúng quy định, thiếu hụt xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ.

Để giảm áp lực lạm phát do giá dầu, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông.

Có thể bạn quan tâm

  • Quản lý thị trường xăng dầu: Lộ thêm… “lỗ hổng”

    Quản lý thị trường xăng dầu: Lộ thêm… “lỗ hổng”

    04:00, 10/09/2022

  • Quản lý thị trường xăng dầu: Cần thiết kế lại để đảm bảo tính cạnh tranh

    Quản lý thị trường xăng dầu: Cần thiết kế lại để đảm bảo tính cạnh tranh

    04:00, 09/09/2022

  • Bất ổn thị trường xăng dầu - Vì đâu nên nỗi?

    Bất ổn thị trường xăng dầu - Vì đâu nên nỗi?

    15:00, 08/09/2022

  • Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu”

    Quản lý thị trường xăng dầu: Cần một cuộc… “đại phẫu”

    05:30, 07/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá dầu thế giới và giải pháp ứng phó của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO