Giá vàng giảm sâu trên cả thị trường quốc tế lẫn trong nước và đang lép vế trước dòng tiền đổ vào các kênh tài sản, hàng hóa khác.
Hôm nay 18/2, tại nhiều cửa hàng vàng bạc đá quý trên toàn quốc đều niêm yết giá vàng giảm sâu. Cụ thể, mở cửa phiên giao dịch ngày 18.2, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 56,30 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 56,82 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày hôm qua. Giá bán vàng vẫn đang cao hơn giá mua 520.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, Phú Quý SJC niêm yết giá vàng mua vào - bán ra 56,25 – 56,75 triệu đồng/lượng, lần lượt giảm 80.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra so với đóng cửa phiên giao dịch ngày 17.2. Chênh lệch giá mua – bán vàng thu hẹp từ 500.000 đồng/lượng.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 khác cũng giảm khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lượng.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho biết giá kim loại quý giảm do đồng USD mạnh lên và triển vọng tiêm ngừa vắc xin đại trà ở nhiều nước cũng như một số nơi đã ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19. Có khả năng vàng sẽ tiếp tục giảm khi các dòng tiền đổ vào USD, chứng khoán và tiền điện tử.
“Dự báo nhu cầu mua vàng ngày Thần tài (mùng 10 Tết) năm nay sẽ không cao do giá vàng trong nước cao hơn thế giới ở mức kỷ lục, thêm vào giá vàng SJC hiện cũng đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái 20%. Chính vì những yếu tố này mà người mua sẽ cân nhắc khi ra tay mua vàng”, ông Hải nhận định.
Tại thị trường quốc tế, tới 8h30 sáng 18/2 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay ở mức 1.778 USD/ounce. Trước đó, trong phiên giao dịch kéo dài từ đêm 16 đến rạng sáng 17/2, các quỹ đầu tư trên toàn cầu đã bán 39,5 tấn vàng; trong đó quỹ đầu tư lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares bán 5,5 tấn. Còn TD Securities - một ngân hàng ở Mỹ thì thông báo ngừng giao dịch vàng dài hạn do giá kim loại này đang giảm mạnh.
Có thể thấy, vàng tiếp tục bị bán tháo khi đồng USD hồi phục và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt. Giới đầu tư lạc quan hơn về sự phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch COVID-19. Đặc biệt với kế hoạch kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỉ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và kỳ vọng lạm phát tăng đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, từ đó nâng đồng USD tiến lên mức đỉnh hơn 1 tuần.
Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá USD tại Vietcombank ở thời điểm tham chiếu (1 USD = 23.090 VND), giá vàng thế giới tương đương 49,60 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn đang bị kéo giãn rộng do giá vàng trong nước không phản ánh đầy đủ mức giảm của giá vàng quốc tế. Theo đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ sáng 18/2 đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi tới 7,25 triệu đồng/lượng, từ chỗ chênh khoảng 6 triệu đồng/lượng trước kỳ nghỉ Tết.
Một số nhà kinh doanh vàng lý giải rằng nhu cầu vàng của người dân thường có xu hướng tăng cao trong dịp ngày Thần Tài 10/1 âm lịch hàng năm, mà các doanh nghiệp nhiều năm nay không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nên giá vàng trong nước càng dễ có chênh lệch lớn so với thế giới vào dịp này.
Tại Việt Nam, thông thường trước ngày Vía Thần tài, giá bán vàng miếng SJC, vàng nhẫn luôn trụ ở mức cao và sau ngày này sẽ tuột dốc nhanh. Tuy nhiên năm nay, do tình hình dịch bệnh kéo dài cũng như sự thay đổi về chính sách của các nền kinh tế lớn dẫn đến hiện tượng đảo chiều tại Việt Nam. Dự báo trong ngắn hạn, xu hướng giá vàng được cho là khó đoán.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng trong nhiều năm, giá vàng ngày vía Thần Tài thường được đẩy lên rất cao một phần do nhờ nhu cầu vàng trong ngày này tăng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do các tiệm vàng đẩy giá. Vì vậy, không có gì đảm bảo là kinh doanh vàng không thua lỗ vào ngày này. Năm nay, người mua bán càng cần cẩn trọng vì giá vàng dù điều chỉnh, vẫn có thể biến động khôn lường.
Có thể bạn quan tâm