Theo nhiều chuyên gia, việc NHNN điều chỉnh giảm một loạt lãi suất điều hành (LSĐH) là phù hợp, song hiện nay khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản...
NHNN vừa quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm. Bên cạnh đó, trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,2%/năm, các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm; trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 5,5%/năm xuống còn 5,0%/năm.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng khi giảm LSĐH, sẽ gián tiếp tác động hạ lãi suất cho vay trên thị trường. Cụ thể, việc giảm một loạt LSĐH sẽ tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, qua đó các doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn ngân hàng HSBC Việt Nam, cho rằng việc hạ lãi suất của NHNN thể hiện việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế đang chịu những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Điều này sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng, giúp tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được giảm gánh nặng tài chính, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường và từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Tuy nhiên, quyết định nói trên của NHN sẽ có độ trễ nhất định. Bởi giữa thị trường 1 và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) không có sự liên kết chặt chẽ, nên giảm lãi suất trên thị trường 2 sẽ không tương đồng trên toàn thị trường 1. “Trên thị trường 2 giảm 0,5% không có nghĩa trên thị trường 1 sẽ giảm 0,5%, độ trễ và tác động thực tế trên thị trường 1 sẽ ít hơn trên thị trường 2”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết và nhấn mạnh, việc hạ LSĐH nhằm giữ lãi suất thấp trên thị trường 1, thông qua thị trường 2.
Bên cạnh đó, việc cấp thanh khoản của NHNN cho các TCTD là vốn ngắn hạn, trong khi vốn cho vay các doanh nghiệp là vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế. Do đó, việc giảm LSĐH cũng chỉ hỗ trợ phần nào tạo nguồn vốn giá rẻ.
Ngoài ra, NHNN giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn cao nhất 4,25%/năm, trong khi lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng vẫn đang ở mức cao, thậm chí là trên 8%/năm. Do đó, điều này khó kéo giảm lãi vay trung và dài hạn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đối với doanh nghiệp, lãi suất không phải là vấn đề họ quan tâm nhất. Bởi, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh, doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản. Vì vậy, cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn này.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong khi lúc này, vấn đề của nền kinh tế và doanh nghiệp không phải xuất phát từ thị trường tiền tệ mà là thị trường hàng hóa dịch vụ, khi mà các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, ảnh hưởng lớn đến cả nguồn cung và nguồn cầu của các doanh nghiệp trong nước. Do đó, cần tập trung hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, có như vậy thì việc giảm LSĐH của NHNN mới trở nên có ý nghĩa hơn. Muốn tháo gỡ được khó khăn này, cần nâng cao vai trò của các tổ chức trung gian, như quỹ bảo lãnh tín dụng, kể cả các công ty kiểm toán...
Có thể bạn quan tâm