Giảm lãi suất điều hành sẽ tác động ra sao đến thị trường?

Lê Sáng 17/09/2019 01:00

Từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giảm đồng loạt 0,25% đối với các lãi suất điều hành.

Các yếu tố ủng hộ cho quyết định hạ lãi suất

Một loạt những bất ổn tại các đầu tàu kinh tế khắp các châu lục như Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina… đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận khá cao khi số lần giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới ngày càng gia tăng, hiện tại đã có 93 đợt điều chỉnh giảm trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất.

Dù làn sóng hạ lãi suất lan rộng nhưng NHNN vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá…) và cho đến nay, NHNN đã điều hành khá thành công biến số này.

Trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 9% (như KWR, SEK) nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-6% (như RUB, THB) so với USD, VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD.

Theo SSI, ngoài những kinh nghiệm điều hành đã được tích lũy, nhiều yếu tố thuận lợi sẽ góp phần ổn định tỷ giá trong thời gian tới:

Thứ nhất, sau 2 đợt mua vào ngoại tệ rất lớn là 4 tháng đầu năm và từ tháng 7 đến nay, dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức cao nhất từ trước đến nay, ước tính khoảng 70 tỷ USD.

Thứ hai, cán cân thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài đang diễn biến thuận lợi. Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 3.43 tỷ USD, là mức thặng dư kỷ lục tính theo tháng trong nhiều năm trở lại đây. Lũy kế 8 tháng 2019, cán cân thương mại thặng dư 5.1 tỷ USD. Dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân vẫn tăng đều, đến hết tháng 8 có 11,96 tỷ USD vốn FDI giải ngân (tăng 6,3% so với cùng kỳ); dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng khá tích cực với các thương vụ bán vốn cổ phần lớn của VCB, VIC, VCM… và các đợt vay vốn quốc tế của Vinmec, VPB...; cán cân tổng thể thặng dư 9,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2019.

Thứ ba, một số dòng vốn lớn có thể nhìn thấy sẽ về trong thời gian tới như khoản bán vốn của BIDV và mùa kiều hối cuối năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Giảm lãi suất điều hành tác động đến đâu?

    Giảm lãi suất điều hành tác động đến đâu?

    06:01, 14/09/2019

  • Đảo vai tiền lớn, tạo “QE kiểu Việt Nam” để giảm lãi suất cho vay?

    Đảo vai tiền lớn, tạo “QE kiểu Việt Nam” để giảm lãi suất cho vay?

    10:27, 16/09/2019

  • “Giấc mơ” giảm lãi suất cho vay… xa vời

    “Giấc mơ” giảm lãi suất cho vay… xa vời

    06:01, 24/08/2019

  • Giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa trong hệ thống ngân hàng?

    Giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa trong hệ thống ngân hàng?

    06:10, 01/08/2019

Bên cạnh đó, chỉ số CPI đến tháng 8 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm ngoái – khá thấp so với mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2019 do Quốc hội đề ra. Bởi vậy, theo SSI, NHNN có cơ sở để hướng các chính sách điều hành sang mục tiêu giảm lãi suất.

Thông điệp hướng đến giảm mặt bằng lãi suất      

Theo SSI, NHNN điều hành chính sách tiền tệ trực tiếp thông qua các chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) …, không phải qua trung gian là lãi suất điều hành như các nước khác nên tác động của việc điều chỉnh lãi suất điều hành không quá lớn.

Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng cung tiền M2 đến hết tháng 6/2019 lần lượt là 7,36% và 7,11%- thấp hơn so với cùng kỳ 2018 là 7,86% và 8,39%. "NHNN đã có một đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đủ tiêu chuẩn nhưng hầu hết thấp hơn đề xuất của các NHTM", SSI cho biết.

Theo SSI, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm vẫn là 14% cho thấy, NHNN vẫn đang điều hành cung tiền thận trọng. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi xét trong bối cảnh tổng cầu chậm cải thiện, tăng cung tiền sẽ tăng rủi ro lạm phát, nhập siêu và bong bóng tài sản. 

Trong ngắn hạn, mặt bằng lãi suất giao dịch trên liên ngân hàng và lợi tức trái phiếu chính phủ các kỳ hạn ngắn trên thứ cấp là 2 đối tượng chịu tác động mạnh nhất từ việc điều chỉnh lãi suất OMO. Trong ngày nhận được thông tin giảm lãi suất điều hành, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng đã giảm mạnh xuống 2,78%/năm (giảm 0,2%), lợi tức Trái phiếu Chính phủ cũng giảm xuống quanh mức 2,6%/năm.

Xét dài hạn, các lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ dao động trong khoảng từ lãi suất tín phiếu đến lãi suất OMO (từ 2,75%/năm đến 4,5%/năm). Trong điều kiện lý tưởng, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng (và môi trường thanh khoản được kỳ vọng sẽ được giữ dồi dào) sẽ tạo cơ sở để các NHTM điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (tức là thị trường giữa các NHTM với các tổ chức kinh tế và cá nhân).

Tuy vậy, SSI cho rằng, vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư nên tính liên thông từ thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) xuống thị trường 1 cần một thời gian dài.

Theo SSI, dù tác động đến thị trường 1 là hạn chế nhưng đây là động thái tiếp theo sau một loạt các hành động trước đó như các ngân hàng thương mại nhà nức (NHTMNN) tiên phong giảm lãi suất cho vay với các nhóm ngành ưu tiên tới 2 lần kể từ đầu năm đến nay; NHNN tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các NHTM chạy đua tăng lãi suất huy động, trong đó gồm cả việc cắt giảm tăng trưởng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động cho vay bất động sản và đầu tư trái phiếu bất động sản của các NHTM… 

Trong bối cảnh có nhiều yếu tố thuận lợi như đã phân tích phía trên, SSI cho rằng, các biện pháp kỹ thuật của NHNN nếu có được sự đồng lòng của các NHTM lớn thì mục tiêu giảm lãi suất vẫn có thể đạt được mà chưa cần phải dùng đến biện pháp nới lỏng, bơm tiền vào nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giảm lãi suất điều hành sẽ tác động ra sao đến thị trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO