Tín dụng - Ngân hàng

Tỷ giá năm 2025: Các yếu tố không thuận lợi sẽ giảm dần theo thời gian

Diễm Ngọc 12/01/2025 04:05

Theo CEO AFA Capital, áp lực từ tỷ giá của Việt Nam vẫn còn trong nửa đầu năm với dự trữ ngoại hối còn khoảng 80 tỷ USD, nhưng các yếu tố không thuận lợi sẽ giảm bớt ở cuối năm.

Khó khăn với các NHTW châu Á

Giới chuyên gia nhận định, sự tăng giá liên tục của đồng đô la Mỹ đã khiến các loại tiền tệ châu Á như đồng Yên Nhật, đồng Won Hàn Quốc, đồng Nhân dân tệ Trung Quốc và một số đồng tiền khác lao dốc xuống mức thấp nhất trong nhiều năm so với đồng bạc xanh.

Tỷ giá năm 2025 sẽ là một biến số mà chúng ta cần phải theo dõi, đặc biệt ngay trong quý I tới
Một phần lý do đằng sau sức mạnh của đồng đô la Mỹ là các chính sách mà Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử liên quan đến thuế quan

Đồng đô la Mỹ đã tăng giá mạnh kể từ khi Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, tăng khoảng 5,39% kể từ cuộc bầu cử ngày 5/11 tại Hoa Kỳ. Đến ngày 11/1/2025, chỉ số Dollar Index (DXY) đã đạt mức đỉnh là 109,66 điểm, tăng 0,49 điểm so với phiên giao dịch trước đó.

Nguyên nhân là do số liệu cho thấy kinh tế Mỹ tạo thêm nhiều việc làm vào tháng trước, làm dấy lên hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối tháng này.

Một phần lý do khác đằng sau sức mạnh của đồng đô la Mỹ là các chính sách mà Trump đã hứa trong chiến dịch tranh cử liên quan đến thuế quan. Các quan chức liên bang tại cuộc họp tháng 12 đã bày tỏ lo ngại về lạm phát và tác động mà các chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gây ra, vì vậy họ sẽ chậm lại trong việc cắt giảm lãi suất vì sự không chắc chắn.

AFA Capital đưa ra ba kịch bản với thuế quan trong chính quyền Trump nhiệm kỳ 2. Trong đó, ở kịch bản cơ sở với xác suất 55%, Mỹ sẽ đánh thuế 25% với tất cả hàng hoá Trung Quốc sau điều tra, 25% với Canada và Mexico, 10% với các nền kinh tế tăng thâm hụt do sự dịch chuyển thương mại khỏi Trung Quốc (bao gồm Việt Nam). Ở kịch bản này, xuất khẩu của Việt Nam vẫn khả quan trong khi thu hút được sự dịch chuyển thương mại.

Tuy nhiên, đối với kịch bản tiêu cực với xác suất 45%, mức thuế áp dụng lên hàng hoá Trung Quốc là 60% và hàng hoá từ các nước được hưởng lợi là 20%, xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do mức thuế quan cao và sự sụt giảm tổng cầu do chiến tranh thương mại.

James Ooi, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới trực tuyến Tiger Brokers, chia sẻ với CNBC rằng đồng đô la Mỹ mạnh sẽ khiến các ngân hàng trung ương châu Á khó quản lý nền kinh tế của họ hơn. Nó gây ra thách thức cho các ngân hàng trung ương châu Á bằng cách gia tăng áp lực lạm phát thông qua chi phí nhập khẩu cao hơn, đồng thời gây sức ép lên dự trữ ngoại hối của các quốc gia, nếu họ cố gắng hỗ trợ đồng tiền của mình bằng các biện pháp can thiệp.

“Nếu một quốc gia đang phải vật lộn với lạm phát cao và đồng tiền mất giá, việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế có thể phản tác dụng”, ông nói.

Việt Nam lưu ý tỷ giá

Đối với Việt Nam, sự mạnh lên bất ngờ của đồng xanh ngay trong những ngày đầu năm đã gây áp lực lên VND. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh.

Năm 2025, dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục duy trì ở mức 15%, nhờ vào sự phục hồi của thị trường bất động sản
Dự báo tỷ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm 2025 với mức giảm 3% hợp lý so với đồng USD

Ở thị trường trong nước, sáng ngày 11/1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm giữa VND và USD tăng 3 đồng, đạt mức 24.341 đồng. Tỷ giá tham khảo mua vào - bán ra tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước không đổi, duy trì ở mức 23.400 đồng - 25.450 đồng.

Chuyên gia tại VinaCapital dự báo, năm 2025 sẽ chứng kiến một số biến động đối với đồng VND. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND cuối cùng sẽ kết thúc năm với mức giảm 3% hợp lý so với đồng USD, dựa trên kỳ vọng chỉ số DXY sẽ kết thúc năm gần như không thay đổi.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital đánh giá, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những đợt sử dụng dự trữ ngoại hối để điều hành tỷ giá. Trong bối cảnh lãi suất khó có thể thấp hơn và tỷ giá còn chịu nhiều áp lực, để hỗ trợ tỷ giá, chính sách tiền tệ sẽ càng ngày càng ít dư địa.

Vấn đề có khả năng lặp lại như giai đoạn năm 2023-2024, đó là chính sách tiền tệ tiếp tục đương đầu với câu chuyện cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất, dẫn đến lãi suất trên thị trường tăng lên, dù lãi suất điều hành không tăng.

“Nhìn chung năm 2025 sẽ làm năm "tiền hung hậu cát". Áp lực từ tỷ giá vẫn còn trong nửa đầu năm với dự trữ ngoại hối Việt Nam còn khoảng 80 tỷ USD (tương đương 2,4 tháng nhập khẩu), sau khi bán can thiệp 2 tỷ USD cuối năm 2024. Tuy nhiên, các yếu tố không thuận lợi giảm bớt ở cuối năm”, vị CEO nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tỷ giá năm 2025: Các yếu tố không thuận lợi sẽ giảm dần theo thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO