Đến cuối năm 2024, tỷ giá tăng khoảng 5,03%, là mức hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp và nhà đầu tư không lo ngại, có tâm lý đầu cơ và găm giữ USD...
Đây là nhận định của Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại buổi họp báo thông tin về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 và định hướng năm 2025.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm. Bên cạnh đó các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu.
Ở trong nước, kinh tế tăng trưởng tích cực, lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. Theo NHNN, so với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn FDI.
Trong bối cảnh chung có nhiều biến động, Việt Nam chịu áp lực lớn trong vấn đề tỷ giá do độ mở của nền kinh tế, cùng với các yếu tố như chính sách kinh tế của các nước lớn, đặc biệt là biến động đồng USD, biến động địa chính trị và tình hình xuất nhập khẩu.
Thống kê của NHNN ghi nhận trong năm, có thời điểm tỷ giá tăng cao lên tới 7%, tuy nhiên đến cuối 2024, tỷ giá tăng 5,03%. "Chúng tôi đánh giá là mức hài hòa, đảm bảo doanh nghiệp và nhà đầu tư không lo ngại, có tâm lý đầu cơ và găm giữ USD", Phó Thống đốc thường trực nhấn mạnh.
Lãnh đạo NHNN cũng cho biết, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.
Chia sẻ thêm tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) thông tin, liên quan đến tỷ giá, 2024 là một năm khá "chật vật" trong điều hành so với 2 năm trước đây, do có biến động lớn trong thị trường. NHNN đã bán ngoại tệ ra thị trường, đảm bảo cung cầu ngoại tệ tích cực.
Gần nhất, khi Tổng thống Donald Trump đắc cử và bày tỏ rõ hơn các chính sách thuế quan dự kiến sẽ áp dụng, thì ngay sau đó thị trường ngoại hối đã có những biến động rất lớn, sức mạnh đồng đô la Mỹ tăng nhanh. Có thời điểm DXY tăng 109,06% tức tăng rất mạnh, cao nhất trong vòng 2 năm.
Tất cả các thị trường mới nổi năm 2024 đều có sự suy giảm, biến động, rút vốn ròng về do chênh lệch lãi suất USD-VND. Thống kê của UBCKNN cho thấy khối ngoại bán ròng khối lượng rất lớn, gây sức ép lên tỷ giá.
Song song đó, trong những tháng cuối năm, NHNN cũng phải cân đối lượng ngoại tệ rất lớn về Kho bạc Nhà nước để đảm bảo cho Bộ Tài chính trả nợ nước ngoài khoản trái phiếu Chính phủ đến hạn.
Như vậy, các sức ép dồn lại trong khoảng thời gian ngắn khiến căng thẳng cung cầu ngoại tệ diễn ra.
"Với sự điều hành của NHNN và sự phối hợp, sử dụng đồng bộ các công cụ, chúng tôi đã điều hành chặt chẽ, nhịp nhàng, đi "2 chân" vừa hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, không để thiếu thanh khoản, vừa hút bớt lượng tiền, giảm chênh lệch lãi suất USD-VND...
Bằng các biện pháp điều hòa, NHNN đã giảm bớt rất sức ép ngoại tệ ngay trong hệ thống. Song song thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chính sách tài khóa, đảm bảo giữ cho "mặt trận" lãi suất không tăng nóng, kiểm soát tỷ giá ổn định. Đồng VND mất giá 5,03% là mức mất giá trung bình thấp so với các đồng tiền trong khu vực Asean.
Nếu so với các nước xuất khẩu lớn, đặc biệt xuất khẩu vào Mỹ nhiều thì VND của chúng ta mất giá ở mức thấp nhất so với các nước xuất khẩu khác. Cụ thể chúng ta xuất khẩu vào Mỹ với kim ngạch xuất khẩu lớn chỉ sau Trung Quốc và Mexico, lớn hơn cả Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên các đồng tiền như KRW (won) hay JPY mất giá trên 12%, thì mức mất giá của VND là rất thấp", ông Phạm Chí Quang phân tích.
Năm 2025, sức mạnh đồng USD được dự báo vẫn sẽ là yếu tố chi phối lớn đối với tỷ giá. Tuy nhiên, hầu hết các định chế nhận định căng thẳng ngoại hối và áp lực giữ giá trị đồng nội tệ với các ngân hàng trung ương phần lớn sẽ tập trung vào nửa đầu năm 2025, khi các chính sách của Tổng thống Donald Trump kéo theo kỳ vọng về sức mạnh đồng bạc xanh có thể diễn ra cụ thể theo hướng áp dụng như thế nào, và đánh giá tác động tới lạm phát của Mỹ ra sao.
Nửa cuối 2025, với kỳ vọng lạm phát vẫn sẽ hạ theo mục tiêu về gần hơn mốc 2%, Fed có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất và qua đó các ngân hàng trung ương sẽ bớt căng thẳng trước các dòng vốn ngoại hối trên toàn cầu.
Đối với Việt Nam, theo dự báo của Shinhan Bank, nửa cuối năm áp lực tỷ giá sẽ hạ dần dù vẫn còn sức ép. Chứng khoán Vietcombank dự báo, VND sẽ mất giá khoảng 3% cho cả năm 2025 so với đồng USD.