Tín dụng - Ngân hàng

Một năm biến động của tỷ giá

Lê Mỹ 22/12/2024 04:40

Tỷ giá VND/USD đã có một năm biến động đáng kể với 3 đợt Việt Nam đồng (VND) giảm mạnh nhất trong năm 2024...

Trong năm 2024, đồng VND đã giảm gần 5% tính đến tháng 5, chủ yếu do chỉ số USD/DXY tăng gần 4% (do lạm phát của Mỹ và kỳ vọng giảm lãi suất của Fed yếu đi) và các lo ngại khác tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hành động trước sự giảm giá của VND bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ và bán khoảng 6 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối, giảm tổng dự trữ của NHNN xuống còn khoảng 87 tỷ USD, thấp hơn ba tháng nhập khẩu.

Các biện pháp can thiệp để kéo giảm tỷ giá của NHNN được kéo dài đến tháng 7 và sau đó tỷ giá VND/USD có dấu hiệu hạ nhiệt.

ty gia
Việt Nam đã có một năm biến động tỷ giá mạnh trong 2024. Tính đến hết tháng 11, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại trên mức 4,0% cùng với đồng USD mạnh lên đã tạo áp lực lên các đồng tiền thị trường mới nổi, khiến đồng VND mất giá khoảng 4% từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên trong những tháng gần đây, tỷ giá VND/USD lại có sự biến động mạnh. Nguyên do từ kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm 2024, nhưng sau đó lại giảm giá do lo ngại về cuộc bầu cử của Donald Trump (Chỉ số DXY tăng khoảng 7% trước và sau ngay lập tức cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vì thuế quan làm tăng giá trị của đồng USD).

Theo dự báo của ông Michael Kokalari - CFA, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, năm 2025 sẽ chứng kiến một số biến động đối với đồng VND, nhưng tỷ giá cuối cùng sẽ kết thúc năm với mức giảm hợp lý so với đồng USD.

Hai yếu tố riêng biệt của Việt Nam sẽ tác động đến đồng VND trong năm 2025: 1) Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện thấp hơn ba tháng nhập khẩu, và 2) Thặng dư thương mại khoảng 6% GDP của Việt Nam dự kiến sẽ thu hẹp. Về yếu tố đầu tiên, ông Michael Kokalari cho biết, các Ngân hàng Trung ương thường duy trì ít nhất ba tháng dự trữ ngoại hối (ví dụ: dự trữ ngoại hối không đủ sẽ hạn chế khả năng NHNN bán USD để bảo vệ đồng VND). Như đã đề cập ở trên, đồng VND đã tăng giá so với USD trước khi Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD đã tăng ít hơn so với các đồng tiền ở các thị trường mới nổi ở ASEAN từ tháng 7 đến tháng 9 do dự trữ ngoại hối của NHNN không đủ.

Về thặng dư thương mại của Việt Nam, các nhà máy FDI đã tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho nguyên liệu sản xuất trong hai năm qua. Việc này đã làm gia tăng thặng dư thương mại của Việt Nam (~6% GDP trong cả hai năm) vì phần lớn nguyên liệu sản xuất đó được nhập khẩu và sau đó được sử dụng để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Hiện tại, các doanh nghiệp FDI đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu hơn để dự trữ tồn kho, khiến tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam vượt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (tăng trưởng nhập khẩu khoảng 16% so với 14% tăng trưởng xuất khẩu).

"Chúng tôi kỳ vọng sự chênh lệch này sẽ tiếp tục mở rộng trong năm tới, dẫn đến sự thu hẹp thặng dư thương mại của Việt Nam", ông Michael Kokalari phân tích.

Bên cạnh tương quan của VND với USD, được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và mục tiêu giảm lãi suất trong năm 2025, điều này sẽ đẩy USD lên cao hơn, ông Michael Kokalari lưu ý khoảng hai phần ba mức thuế quan mà Mỹ áp đặt lên các quốc gia khác cuối cùng đều phản ánh vào việc giá trị USD tăng lên. Điều này có nghĩa là USD sẽ tiếp tục tăng giá nếu ông Trump tiếp tục thực hiện kế hoạch áp thuế lên Canada/Mexico/Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Tài chính mới Scott Bessent và những người khác cũng cho biết chính quyền của ông Trump dự định sử dụng thuế quan như một công cụ đàm phán để làm giảm giá trị USD thông qua một thỏa thuận quốc tế gọi là "Plaza Accord 2.0.

Thang du thuong mai
Với giá trị thặng dư thương mại lớn với Mỹ, Việt Nam được khuyến nghị cần có những chính sách thúc đẩy các hợp đồng mua hàng lớn, như mua máy bay, khí LNG để giảm thặng dư với Mỹ. Nguồn biểu đồ: VinaCapital

Bên cạnh đó, ông cho rằng tương quan cặp VND/CNY là khi đồng Nhân dân tệ (CNY) giảm giá mạnh so với USD, nhiều người cho rằng sẽ rất tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam và gây áp lực giảm giá lớn đối với đồng Việt Nam. "Tuy nhiên, việc đồng CNY giảm giá từ 10-25% so với VND sẽ không làm mất đi tính cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam vì mức lương công nhân ở Việt Nam chỉ bằng chưa đến một nửa so với Trung Quốc. Điều này sẽ làm giảm chi phí sản xuất ở Việt Nam, vì hơn một phần ba đầu vào sản xuất của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù vậy, biến động của đồng CNY có ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường đối với tỷ giá VND/USD", theo chuyên gia.

Trong báo cáo mới về thị trường Việt Nam khi nhìn lại năm 2024, nhóm chuyên gia thuộc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán của Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đưa ra dự báo về các yếu tố tác động đến điều hành tiền tệ ngoại hối của Việt Nam vào năm tới. Theo đó, các chuyên gia cho rằng thuế quan là yếu tố có tính tác động lớn. Cùng với đó, mối quan ngại về tỷ giá có thể tái diễn như một vấn đề đối với cơ quan điều hành.

Việt Nam đã từng bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ dán nhãn là "quốc gia thao túng tiền tệ" tháng 12 năm 2020, trước khi bị xóa khỏi danh sách vào tháng 4 năm 2021. Mặc dù không còn nằm trong danh sách này, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách giám sát gần đây nhất của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Mặc dù việc có tên trong danh sách có ít tác động trực tiếp trong ngắn hạn, nhưng có khả năng là các nhà chức trách Hoa Kỳ sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu thương mại của Việt Nam, các chuyên gia nhận định.

Bên cạnh các tác động từ chính sách điều hành của Fed, diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế, đây cũng là một những yếu tố cân nhắc cho xu hướng tỷ giá sắp tới, theo nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một năm biến động của tỷ giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO