Câu chuyện thâu tóm đất đấu giá vẫn chưa hết nóng và những phi vụ khiến nhiều cá nhân rơi vào vòng lao lý đang là lời cảnh báo về kẽ hở trong đấu giá đất.
>>Thái Bình: “Nể” vợ Đường “Nhuệ” 4 cựu cán bộ Sở Tư pháp, Sở TNMT lĩnh án
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Công văn số 413 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thời gian qua, quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương có nhiều bất cập, trong đó có việc giá đất bị đẩy lên quá cao qua các cuộc đấu giá, gây sốt đất ở nhiều nơi. Ngoài các sự việc trên, dư luận cũng từng chứng kiến những vụ việc khiến cả người trúng đấu giá và cán bộ rơi vào vòng lao lý.
Có thể bạn quan tâm |
Mới đây nhất là vụ việc Công an thành phố Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Các bị can gồm Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Vimedimex; 3 bị can thuộc nhóm các công ty tham gia đấu giá; 3 bị can thuộc công ty thẩm định giá và một bị can thuộc Ban quản lý dự án huyện Đông Anh.
Theo tài liệu điều tra, khu đất gần 5ha ở xã Cổ Dương, huyện Đông Anh ban đầu được Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị khoảng 500 tỷ đồng.
Trước yêu cầu của 1 cán bộ thuộc Ban quản lý dự án Huyện Đông Anh, đơn vị thẩm định giá hạ giá xuống còn khoảng 300 tỷ. Để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá, các đối tượng đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ.
Bằng nhiều thủ đoạn, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2. Trong khi, giá giao dịch thực tế tại thời điểm thẩm định từ 60 – 70 triệu đồng/m2.
Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 và tổ chức đấu giá, bị can Nguyễn Thị Loan đã đưa 3 công ty tham gia đấu giá.
Với hành vi chỉ đạo các đối tượng cấp dưới thông đồng, dìm giá trong quá trình tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, 1 công ty mà bị can Nguyễn Thị Loan nắm quyền chi phối đã trúng đấu giá với mức hơn 20 triệu đồng/m2, bằng 1/3 giá đất giao dịch trên thị trường.
Đáng chú ý, chỉ sau đúng 1 tháng sau khi được bàn giao đất, bị can Nguyễn Thị Loan đã cho bán đất, trong đó thửa có giá cao nhất lên tới 110 triệu đồng/m2.
Trước phi vụ của Vimedimex, trường hợp của nhóm giang hồ “Đường Nhuệ” tại Thái Bình cũng khiến dư luận ngỡ ngàng khi có thể biến từ không trúng đấu giá thành trúng.
Ngày 18/9/2020, bốn người nguyên là cán bộ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh cùng bị cáo Nguyễn Thị Dương - Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương (băng nhóm “Đường Nhuệ) chính thức hầu tòa liên quan hành vi thao túng, "hô biến" đấu giá đất từ trượt thành trúng.
Dưới danh nghĩa Công ty bất động sản Đường Dương, băng nhóm Đường “Nhuệ” gần như "làm mưa làm gió" trong hoạt động đấu giá đất trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cùng những chiêu trò, thủ thuật gây bức xúc, sợ hãi cho chính quyền lẫn người dân. Cách thức thực hiện của băng nhóm này được mô tả như những “cơn ác mộng kinh hoàng”.
Tại tỉnh Thái Bình, Đường “Nhuệ” thường xuyên trúng đấu giá với kết quả là những con số khiến không ít người phải giật mình. Đơn cử như đầu năm 2019 tại huyện Đông Hưng, trong cuộc đấu giá đất tại xã Lô Giang chỉ có 25 lô đất được bán ra nhưng Đường “Nhuệ” đã đấu trúng tới 20 lô. Tới tháng 4.2019, cũng trên địa bàn xã này, Đường “Nhuệ” tiếp tục đấu trúng được 7 lô đất khác. Trước đó, năm 2018, Đường đã trúng tới 24 lô đất khác tại xã Đông Phương. Đáng nói, có những lô mà nhóm đối tượng này trúng với giá chỉ cao hơn giá khởi điểm 10 nghìn đồng.
Thậm chí, ngay giữa Thủ đô sự việc ngang nhiên cướp hồ sơ đấu giá đất ngay giữa trụ sở UBND huyện Thạch Thất vào cuối năm 2018, từng khiến dư luận không khỏi bất bình. Vụ việc sau đó được giao cho Công an huyện Thạch Thất điều tra, nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.
Phát biểu về các sự vụ đấu giá đất gần đây, đại diện Bộ Tư pháp cũng thừa nhận có tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, “thông đồng, dìm giá”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” xảy ra khá tinh vi, có xu hướng ngày càng phức tạp.
Ngoài ra, việc tổ chức thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật về hoạt động đấu giá tài sản còn chưa nghiêm; vai trò, trách nhiệm quản lý tài sản trong quá trình xử lý tài sản, nhất là đối với tài sản công của một số người có tài sản, cơ quan, tổ chức, địa phương chưa được quan tâm, nhận thức đúng và đầy đủ.
Công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản còn chưa thực hiện thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá đôi khi còn tình trạng nể nang, “nương tay”, tính răn đe chưa cao...
Kỳ II: Những phi vụ "đánh vống" giá đất
Có thể bạn quan tâm