Gọi tên hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp

Duy Bảo 23/02/2019 00:12

Đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi năm 2019 của VCCI đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia.

Đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp trong lần sửa đổi năm 2019 của VCCI đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia.

Khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh đang là đối tượng được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhắc đến trong đề nghị bổ sung một chương mới vào Dự thảo Luật sửa đổ, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

p/Hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng buôn bán nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp.p/Ảnh: THÀNH TRÍ

Hộ kinh doanh cá thể, cửa hàng buôn bán nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ phát triển thành doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ

Hộ kinh doanh đang ở đâu trong hệ thống pháp luật?

TS Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi: “Họ đang làm ăn kinh doanh, có đăng ký kinh doanh, đang tạo việc làm và đang đóng góp vào nền kinh tế. Về bản chất, họ đang hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tại sao lại để họ ra ngoài phạm vi của các văn bản luật do Quốc hội ban hành”?

Mặc dù, không phải hộ kinh doanh không được nhắc gì đến trong Luật Doanh nghiệp hiện hành. Tuy nhiên, Điều 212, Luật Doanh nghiệp đã quy định hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Nghị định 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp cũng đã căn cứ vào điều này của Luật Doanh nghiệp để có hướng dẫn.

  Quan điểm của Ban soạn thảo là sẽ sửa triệt để các tồn tại của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để khơi thông nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. 

Cùng quan điểm trên LS Lê Văn Hà, Công ty Luật Pathlaw chỉ ra sự vô lý, quy định về hộ kinh doanh lại không điều chỉnh hoạt động của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

“Quy định tại Điều 1, Điều 212 khoản 2 của Luật Doanh nghiệp hiện hành là không chuẩn xác về kỹ thuật luật pháp. Nhưng quan điểm của tôi là quan niệm doanh nghiệp không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hạm, vì họ là kinh doanh chuyên nghiệp, khác với các hộ kinh doanh không có đăng ký, và phải được hiểu là một loại hình doanh nghiệp”, ông Hà phân tích về mặt pháp lý.

Đặc biệt, ông Hà cũng cho rằng, xét về góc độ chính sách, không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của khu vực này. Thậm chí, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ nếu như không chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hộ kinh doanh là ai?

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã từng có nghiên cứu về hộ kinh doanh và từng đưa ra con số khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó khoảng 2 triệu hộ đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, các câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp đã được CIEM đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng thực sự chưa có câu trả lời thỏa đáng ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để họ tự lựa chọn.

Tuy số liệu về hộ kinh doanh dường như chưa thực sự thống nhất, nhưng quan điểm về việc cần quan tâm đến khu vực đang tạo ra tới 30% GDP của nền kinh tế là thống nhất.

Hơn thế, cũng phải nhắc tới kết quả Nghiên cứu Kinh tế tư nhân Việt Nam và năng suất - thịnh vượng do TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Viet Nam thực hiện đã cho thấy, khu vực này chỉ đóng góp 1,56% cho ngân sách nhà nước; nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng không kém doanh nghiệp, nhưng hoạt động không công khai, minh bạch, né tránh các yêu cầu về an toàn lao động, an sinh xã hội…

Nhưng, cũng không ít hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp, nhưng không chịu đựng được những chi phí phát sinh.

Thậm chí, ở góc độ môi trường kinh doanh hiện tại, hộ kinh doanh đang có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp. Thủ tục thành lập đơn giản hơn, lệ phí thành lập rẻ. Chế độ kế toán đơn giản, ách nộp thuế đơn giản, hộ được nộp kê khai hoặc thuế khoán. Đặc biệt, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương), từng là Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh cho biết thêm, nhiều khi hành xử của các cơ quan ở địa phương khiến hộ kinh doanh thường được chọn để… khởi nghiệp.

“Nhiều người nói với tôi là chỉ cần thành lập doanh nghiệp, hôm sau sẽ có các đoàn đến kiểm tra phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội… Còn hộ kinh doanh thì đăng ký là làm thôi, ít bị quan tâm. Giống như một người đi xe máy và một người đi ô tô, thì người đi ô tô bị để ý hơn dù có chiếc xe máy giá trị ngang ngửa ô tô”, ông Hiền thẳng thắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gọi tên hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO