Grab đã xác nhận vào ngày 26/3 rằng, công ty này sẽ tiếp quản các hoạt động tại Đông Nam Á của đối thủ Uber và cho rằng đây là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới”. Vậy đối với thương vụ của 2 gã khổng lồ này, ai sẽ được và ai sẽ mất?
Không quá bất ngờ với M&A
Xác nhận nói trên của Grab đã chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về vụ M&A giữa tập đoàn này với Uber, cũng như nhiều năm cạnh tranh gay gắt giữa 2 đối thủ này, trong đó cả hai nhà khai thác đều tung ra hàng loạt các chương trình ưu đãi hào phóng để lôi kéo khách hàng.
Với vụ M&A này, Grab sẽ tiếp quản các hoạt động và tài sản của Uber tại 8 quốc gia Đông Nam Á. Grab sẽ tích hợp mảng kinh doanh chia sẻ xe và phân phối thực phẩm của Uber trong khu vực vào nền tảng của mình. Đổi lại, Uber sẽ nắm 27,5% cổ phần của Grab and CEO của Uber Dara Khosrowshahi sẽ gia nhập Ban quản trị của Grab.
Các nhà phân tích cho biết thông báo xác nhận của Grab không phải là điều bất ngờ vì những tin đồn trong vài tháng qua kể từ khi SoftBank, một nhà đầu tư chiến lược của Grab đã đầu tư nhiều tỷ USD vào Uber.
Mặc dù Chủ tịch Grab Ming Maa nói với Reuters rằng, thương vụ M&A giữa Grab và Uber là "một quyết định độc lập của cả hai công ty", nhưng các nhà phân tích như Tiến sĩ Lee Der Horng của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết Softbank nhiều khả năng đã thúc đẩy để thỏa thuận này được hoàn thành. "Theo quan điểm của Softbank, sẽ không hợp lý khi để cánh tay phải tiếp tục đấu với cánh tay trái của mình", ông Lee Der cho biết.
Ông Lee Der cũng lưu ý rằng Grab và Uber đã vượt qua giai đoạn khởi nghiệp từ lâu và bây giờ được coi là các công ty công nghệ trưởng thành. "Khi 2 tập đoàn này tập trung vào khả năng sinh lời, thì việc đối đầu nhau để giành thị phần sẽ không còn hợp lý", ông Lee nhấn mạnh.
Sự rút lui lần 2 của Uber
Thương vụ này đánh dấu lần rút lui thứ hai của Uber, trong đó lần đầu tiên diễn ra vào năm 2016 khi Uber hợp nhất các hoạt động ở Trung Quốc với đối thủ địa phương Didi Chuxing.
Các nhà phân tích cho rằng điều đó dường như họ đã cảnh báo số phận của Uber ở các khu vực khác của châu Á, nơi công ty này rơi vào cuộc cạnh tranh với các công ty địa phương, những người thường linh hoạt và hiểu biết hơn về nhu cầu địa phương.
"Uber có thể đang cố gắng “dọn sạch bảng cân đối" của mình để chuẩn bị cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2019", ông Anuj Jain, đồng sáng lập của công ty xây dựng liên doanh Startup-O, cho biết và nhấn mạnh, với sự thay đổi CEO và những rắc rối khác họ gặp phải, áp lực chứng tỏ khả năng tài chính ngày càng tăng lên với Uber. Vì họ đang đối mặt nhiều cuộc chiến ở nhiều mặt trận, nhưng họ dường như dựa vào một kịch bản đã từng hiệu quả ở Trung Quốc là chọn lựa không phù hợp.
Tuy nhiên, việc từ bỏ các hoạt động ở Đông Nam Á có thể không phải là một thất bại hoàn toàn đối với Uber, một cái tên đã quá quen thuộc với dịch vụ chia sẻ xe.
Cuối cùng, cổ phần của Uber trong Grab có nghĩa là Uber sẽ có thể duy trì "sự hiện diện chiến lược" tại khu vực này của thế giới. "Họ đang cắt lỗ và việc nắm giữ một số cổ phần trong Grab có nghĩa là họ không hoàn toàn rời khỏi thị trường Đông Nam Á đang phát triển nhanh chóng”, ông Jain cho biết.
Chiến thắng của Grab
Đây là một chiến thắng rõ ràng cho Grab, công ty bắt đầu hoạt động từ gần 6 năm trước, phất lên từ một đơn vị nhỏ bé trở thành một người chơi chính trong thị trường này.
Bên cạnh lợi thế sân nhà, các nhà quan sát cho biết khoản đầu tư mạo hiểm của Grab vào các tuyến xe buýt theo yêu cầu, chia sẻ xe đạp và có hệ thống thanh toán ví di động đã chứng minh rằng Grab hiểu thị trường khu vực "tốt hơn" so với Uber.
"So với sự phụ thuộc của Uber vào thẻ tín dụng để thanh toán, GrabPay "lấp chỗ trống" để nhắm vào nhóm dân số không được tiếp cận với hệ thống ngân hàng ở Đông Nam Á", ông Lee cho biết.
Theo Tiến sĩ Lee, việc tiếp quản Uber Eats cùng với một dịch vụ phân phối thực phẩm phong phú hơn cũng sẽ mang lại lợi thế cho Grab so với các đối thủ trong khu vực như Go-Jek của Indonesia.
Nhưng quan trọng hơn, việc sở hữu nhiều dữ liệu người tiêu dùng từ Uber sẽ tăng cường hiểu biết của Grab về trải nghiệm và yêu cầu của người tiêu dùng. Điều này sẽ giúp công ty tạo ra các sản phẩm tốt hơn cho kế hoạch đa dạng hóa của mình, đặc biệt là sự xâm nhập gần đây vào các dịch vụ tài chính.
"Dữ liệu là nguồn lực mới nên được coi là một thắng lợi lớn cho Grab", ông Jain nói và cho biết Grab sẽ lập kế hoạch các tuyến đường có thể được phục vụ tốt hơn bằng xe buýt hoặc xe đạp, thay vì xe ô tô. Họ cũng có thể sử dụng các dữ liệu thay thế này để tìm ra những người tiêu dùng muốn tiếp cận sản phẩm công nghệ tài chính trong tương lai”.
Lo ngại của các lái xe
Một bộ phận lái xe tư nhân đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của thương vụ M&A này giữa Grab và Uber đến mức ưu đãi và tỷ lệ hoa hồng của họ.
"Do không có thông báo trước cho các lái xe, nên họ cảm thấy không chắc chắn về việc tiếp tục công việc kinh doanh và nghĩa vụ của họ như thế nào. Họ cũng không chắc chắn về những cơ hội nghề nghiệp của họ", Thành viên đảng Lao động Singapore Ang Hin Kee cho biết trên Facebook.
Trong khi đó, Grab cho biết, công ty sẽ liên hệ với các lái xe của Uber trong những ngày tới để hỗ trợ cho quá trình chuyển giao. Uber cũng đã gửi các tin nhắn với chi tiết đăng ký cụ thể cho tất cả các lái xe của họ.
Phân tích quyền lợi của các lái xe, một số nhà quan sát vụ việc này cho rằng, những ưu đãi hấp dẫn mà Uber và Grab đã tung ra để thu hút các lái xe có thể sớm trở thành quá khứ. Ví dụ như với thị trường Singapore, thương vụ M&A này có thể dẫn tới việc tổ chức lại thị trường và cắt giảm hơn 40.000 lái xe tư nhân ở Singapore.
"Theo tôi, số lượng các lái xe tư nhân là quá nhiều. Với sự sáp nhập và điều chỉnh các ưu đãi, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một số lái xe chọn rời khỏi thị trường, đặc biệt là các lái xe bán thời gian”, một chuyên gia nhận định.
Dư luận Việt Nam
Tại Việt Nam, việc Grab mua lại hoạt động của Uber khiến nhiều người lo ngại khi Uber chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, thì Grab sẽ tạo độc quyền bởi sự lựa chọn của cả lái xe và khách hàng sẽ bị hạn chế, các khuyến mãi "khủng" không còn, trong khi giá cước sẽ tăng.
Trả lời báo chí, Hiệp hội Taxi TP. HCM cho biết, sau 2 năm thí điểm loại hình xe hợp đồng điện tử như của Grab, Uber đã bộc lộ nhiều bất cập bởi bản chất hoạt động như taxi nhưng lại có sân chơi riêng và như "một cơ chế thương mại độc quyền". Vì vậy, khi Uber sáp nhập Grab thì nguy cơ độc quyền càng tăng bởi sự lựa chọn bị hạn chế.
Mặc dù vậy, đại diện taxi Mai Linh lại nhìn nhận đây là một thuận lợi trước mắt cho hãng. Thời gian qua, rất nhiều tài xế trước đây thuộc Mai Linh sau khi chuyển qua Uber, Grab hoạt động thì hiện đang quay về với Mai Linh, đặc biệt sau thông tin Uber sáp nhập vào Grab. Để cạnh tranh, đại diện Taxi Mai Linh cho biết, hãng đã chuẩn bị nhiều ưu đãi cho khách hàng và có một số mức chiết khấu cho tài xế để hướng tới việc nâng cao chất lượng hoạt động của Hãng.
Với lo ngại có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh trong thương vụ này, Grab và Uber cần phải gửi báo cáo, làm rõ chi tiết về thoả thuận M&A giữa hai doanh nghiệp để các nước đánh giá đúng mức độ ảnh hưởng cạnh tranh trên thị trường. Và có lẽ, con đường chinh phục các thị trường Đông Nam Á của Grab sẽ còn gặp nhiều trở ngại khác, cho dù Grab đã nhận sáp nhập Uber.