Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố nhiều bị can vì liên quan đến việc thành lập công ty nhưng không chỉ để kinh doanh mà còn bán hóa đơn khống trục lợi, trốn thuế.
>>Những siêu xe biếu, tặng đã trốn thuế như thế nào?
Tạo “vỏ bọc” bằng các địa chỉ “ảo”
Theo lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an Hà Tĩnh cho biết, liên quan đến hành vi trốn thuế, ngày 6/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an Hà Tĩnh (PC03) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Đình Dũng (SN 1985), trú tại tổ dân phố Tân Phong, phường Kỳ Thịnh, TX. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Quang Dũng về tội “trốn thuế” quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022, giám đốc Trần Đình Dũng đã có hành vi bán hàng hóa là thủy, hải sản chưa qua chế biến cho khách hàng là cá nhân, hộ kinh doanh (đối tượng chịu thuế GTGT 5%) nhưng lại chỉ đạo và điều hành nhân viên kê khai bán hàng, xuất hoá đơn khống hơn 15.000 hóa đơn GTGT cho 623 doanh nghiệp trên địa bàn 35 tỉnh, thành phố trên cả nước với giá trị hàng hóa chưa thuế ghi trên hóa đơn là số 292,3 tỷ đồng, số tiền trốn thuế GTGT gần 15 tỷ đồng. Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Trước đó, vào đầu năm nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phùng Xuân Phong (SN 1984), trú phường Kỳ Long, TX. Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thiên Triều (Công ty Thiên Triều) về tội “trốn thuế," theo quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Liên quan đến vụ án này, ngày 18/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục khởi tố bổ sung đối với Phùng Xuân Phong và khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với Võ Thị Thu Hà về tội “trốn thuế” quy định tại điểm khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Mua bán trái phép hoá đơn” quy định tại khoản 1 Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, Công ty Thiên Triều có địa chỉ tại tổ dân phố Long Thành, phường Kỳ Long, TX. Kỳ Anh, thành lập tháng 4/2019, được cấp phép kinh doanh vật liệu xây dựng và vận tải hàng hóa bằng đường bộ. Tuy không có hoạt động tại trụ sở đăng ký kinh doanh, không có kho hàng, bến bãi để tập kết hàng hóa phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng công ty vẫn xuất bán gần 1.000 số hóa đơn giá trị gia tăng cho gần 100 công ty, doanh nghiệp trên địa bàn với số tiền ghi trên các hóa đơn gần 29 tỷ đồng (mặt hàng ghi trên hóa đơn chủ yếu tài nguyên khoáng sản: đất, cát, đá…).
Liên quan đến hành vi mua bán hóa đơn GTGT trái phép xảy ra tại Công ty Thiên Triều; ngày 18/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố thêm 6 bị can khác gồm: Đỗ Khắc Điệp, Nguyễn Thị Khâm, Nguyễn Thị Khươm, Phan Tất Hải, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Thị Lan và Lê Thị Chung có hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Hé lộ chiêu thức trốn thuế
Như đã nói ở trên, Công ty TNHH Thực phẩm Quang Dũng do Trần Đình Dũng làm giám đốc, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, nuôi trồng thuỷ sản và bán buôn thực phẩm. Trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Trần Đình Dũng đã lợi dụng chính sách về việc các mặt hàng thủy hải sản chưa qua chế biến, khi xuất bán cho các doanh nghiệp không phải kê khai nộp thuế GTGT, nếu xuất bán cho khách hàng cá nhân phải nộp 5% thuế GTGT.
Khách hàng của Công ty chủ yếu là khách hàng cá nhân, nên Trần Đình Dũng đã chỉ đạo và điều hành nhân viên Công ty kê khai bán hàng, xuất hoá đơn khống cho khách hàng là các doanh nghiệp, với mục đích trốn 5% tiền thuế GTGT.
>>Xử nghiêm việc bán nhà hai giá để trốn thuế
Bên cạnh đó, Giám đốc này còn dành thời gian lên trên mạng internet để tìm kiếm thông tin các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề liên quan đến lĩnh vực thực phẩm. Sau đó, Trần Đình Dũng chuyển danh sách các công ty tìm kiếm được cho chị Nguyễn Thị Thuỳ là Kế toán thuế để chị Thuỳ xuất hoá đơn khống cho các công ty đó.
Căn cứ giá trị và lượng hàng hóa mà Công ty nhập về kho, Trần Đình Dũng yêu cầu chị Thuỳ phân bổ, xuất hoá đơn điện tử khống cho các doanh nghiệp với giá trị mỗi hoá đơn dưới 20 triệu đồng để không phải chuyển khoản. Với cách làm này, đối tượng đã trốn thuế GTGT gần 15 tỷ đồng.
Còn tại Công ty Thiên Triều do ông Phùng Xuân Phong làm giám đốc; Võ Thị Thu Hà (SN 1984), ở thôn Tân Tiến, xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) làm kế toán trưởng.
Quá trình hoạt động kinh doanh, Phong là người trực tiếp chỉ đạo điều hành mọi hoạt động của Công ty; Võ Thị Thu Hà là kế toán trưởng trực tiếp thực hiện các công việc như kê khai thuế, xuất nhập hóa đơn, chứng từ, soạn thảo các hợp đồng và các thủ tục thanh toán theo yêu cầu của Phùng Xuân Phong.
Do Công ty Thiên Triều hoạt động bán đất, cát, đá không có nguồn gốc hợp pháp và xuất hóa đơn GTGT cho một số công ty trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhưng không có nguồn hàng hóa đầu vào hợp lệ. Vì vậy, Phùng Xuân Phong đã chỉ đạo Võ Thị Thu Hà tìm đầu mối mua các hóa đơn đầu vào đối với các mặt hàng như: Đất, cát, đá để hợp thức nguồn hàng hoá đầu vào; đồng thời khi kê khai thuế GTGT đầu vào sẽ giảm số thuế phải nộp.
Được Phùng Xuân Phong đồng ý, Võ Thị Thu Hà liên hệ mua 20 Hóa đơn GTGT của 3 công ty tại tỉnh Quảng Bình với tổng giá trị tiền hàng chưa thuế hơn 7,6 tỷ đồng; tiền thuế GTGT là hơn 765 triệu đồng, giá mua hóa đơn là 7,5% giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn.
Ngoài ra, Phùng Xuân Phong còn chỉ đạo mua 15 số hóa đơn GTGT của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vạn Phát Nam Sơn với giá trị hàng hóa ghi trong hóa đơn là hơn 5,4 tỷ đồng; tiền thuế GTGT là hơn 544 triệu đồng với chi phí 8% giá trị tiền hàng chưa thuế ghi trên hóa đơn.
Từ số hóa đơn nói trên đã được Công ty Thiên Triều kê khai, hợp thức hàng hóa mua vào để trốn thuế số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.
Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đồng bộ. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, thời gian tới, lực lượng chức năng trên toàn tỉnh cần phân loại theo nhóm các đối tượng để có biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo môi trường đầu tư, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.383 vụ (giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021); xử lý hình sự 118 vụ (giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021) với 164 đối tượng (giảm 5% số đối tượng so với cùng kỳ năm 2021).
Có thể bạn quan tâm
Hà Tĩnh: Bất an công trình thuỷ lợi xuống cấp
13:41, 30/07/2022
Sở Kế hoạch và Đầu tư (Hà Tĩnh) lý giải nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công
00:30, 15/07/2022
Hà Tĩnh: Xã hội hóa nạo vét luồng cảng cá
13:30, 13/07/2022
“Điểm đen” ô nhiễm tại Hà Tĩnh
01:10, 12/07/2022
Hà Tĩnh: Cầu 500 tỷ đồng gần 10 năm sống trong “bóng đêm”
01:29, 13/07/2022
Hà Tĩnh: Chính quyền “bất lực” với sạt lở bờ sông
19:42, 08/07/2022