Hàng trăm công trình thuỷ lợi xuống cấp, hư hỏng nhiều năm qua khiến nỗi lo mất an toàn hồ đập tại Hà Tĩnh lại hiện hữu mỗi khi mùa mưa bão đến.
>>Sở Kế hoạch và Đầu tư (Hà Tĩnh) lý giải nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công
Theo thống kê, Hà Tĩnh hiện có 351 hồ thủy lợi, với tổng dung tích chứa hơn 1.575 triệu m3 nước, trong đó có 324 hồ chứa có dung tích từ 50.000 m3 trở lên, hoặc có chiều cao đập từ 5m trở lên. Hằng năm, hệ thống hồ đập đã cung cấp nước tưới cho hơn 29.000 ha đất trồng lúa/vụ và cây trồng cạn, cấp nước phục vụ công nghiệp, dân sinh, nuôi trồng thủy sản, cắt giảm lũ hạ du và cải tạo môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, do phần lớn công trình đưa vào sử dụng khá lâu từ khoảng 40 – 50 năm lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên một số công trình đã xuống cấp, hư hỏng. Không ít công trình xảy ra tình trạng rò rỉ gây mất an toàn nhất là vào mùa mưa lũ. Qua rà soát mới nhất, toàn tỉnh hiện có hơn 200 hồ, đập bị hư hỏng, xuống cấp, trong đó có 59 hồ, đập đang hư hỏng nghiêm trọng, cần được sửa chữa. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công năng của công trình, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
Theo thống kê từ công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh, trong khoảng 22 hồ đập do công ty này quản lý thì có tới gần 1/3 công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng, trong đó có những hồ dung tích chứa lên đến hàng triệu m3 nước.
Điển hình như, cống Bara Đò Điệm có vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát lũ, chống ngập úng cho hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp, đất ở của người dân vùng thượng hệ thống kênh trục sông Nghèn trong mùa mưa lũ, đồng thời ngăn mặn, giữ ngọt để phục vụ sản xuất.
Thế nhưng, nhiều năm nay cống có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. công trình có 13 cánh cống thì cả 13 cánh đều hư hỏng xuống cấp, gây khó khăn trong việc vận hành. Một số hệ thống do thời gian ngấm nước mặn nhiều năm nên đã hoen gỉ, mục nát, một số hạng mục nứt toác. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, chủ đầu tư đã chi1 tỷ đồng để sửa chữa cánh cống thứ 13, còn 12 cánh còn lại hiện không thể vận hành để điều tiết mực nước.
Anh Trần Sỹ Hùng, Tổ trưởng tổ cống Bara Đò Điệm, công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Do cống đưa vào sử dụng thời gian khá lâu, lại nằm trong nước mặn nên công trình đã có dấu hiệu xuống cấp khá nghiêm trọng. Nhiều cánh cửa đơn vị không dám vận hành vì sợ bung ra khỏi khung cửa. Hiện công ty đã đề nghị các sở ngành sửa chữa, khắc phục kịp thời để đảm bảo công tác tiêu thoát lũ trong đợt mưa lũ sắp tới”.
Đập Khe Xai (xã Hương Minh, huyện Vũ Quang) cũng đang trong tình trạng báo động. Đập được xây dựng từ năm 1991, với dung tích chứa 498 ngàn m3 nước, phục vụ tưới tiêu cho hơn 50 ha lúa của xã Hương Minh. Tuy nhiên hiện nay thân đập đã bị nứt gãy, nước thẩm thấu qua thân đập. Cống lấy nước bị thấm nên đã xảy ra tình trạng xói lở xung quanh mang cống.
Hay như tại Đập Làng (xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê) do công ty TNHH MTV Thuỷ lợi Nam Hà Tĩnh quản lý nhiều năm qua cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Nước rò rỉ từ thân đập chảy xuống phía dưới đã cuốn theo nhiều khối đất cát dưới chân tràn, tạo ra những hàm ếch, lỗ hổng hết sức nguy hiểm. Nhiều điểm phía hạ lưu xuất hiện vũng sình lầy, nước chảy ra màu vàng đục. Theo các chuyên gia, thì đây là dấu hiệu hết sức nguy hiểm vì nước đã cuốn trôi lượng đất đắp khá lớn dưới thân đập.
Ông Trần Đức Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Hà Tĩnh cho biết: “Do đặc thù thường xuyên chịu tác động của thiên tai, lũ lụt, vấn đề bảo đảm an toàn hồ chứa luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống hồ thủy lợi. Hiện tỉnh đã giao cho các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá lại các công trình hồ đập xung yếu để có các giải pháp khắc phục, sửa chữa, đồng thời, xây dựng phương án ứng phó phòng tránh khi vượt tần suất xảy ra trong mùa mưa lũ”.
Có thể bạn quan tâm