Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) cho biết các rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng, dẫn đến việc thông báo khoản lỗ 5.000 tỷ đồng mà giới chuyên môn gọi là "hồi tố".
Trong văn bản giải trình, HAG nhấn mạnh lý do Công ty chưa thực hiện trích lập khoản dự phòng phải thu này trong năm 2018 và 2019 là bởi Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn mang tính phụ thuộc và chịu sự tác động bởi các yếu tố thị trường. Trong các năm trước đây, Ban Tổng giám đốc đánh giá cao khả năng thu hồi các khoản phải thu.
Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát làm cho các thông tin về rủi ro của thị trường nông sản và ngành nông nghiệp được biểu hiện rõ ràng hơn. Vì vậy, Ban Tổng Giám đốc nhận thấy rằng các xét đoán về rủi ro trước đây chưa được đánh giá một cách thận trọng nhất, nên đã đưa ra quyết định điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán của Công ty năm 2018 và 2019 bằng cách trích lập dự phòng cho các khoản phải thu tồn đọng nhằm giúp nâng cao tính minh bạch của BCTC.
Theo đó, dựa trên ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng trong BCTC tổng hợp đã kiểm toán năm 2018 và 2019 lần lượt là 7.204 tỷ đồng 10.298 tỷ đồng, HAG trích lập như sau: Năm 2018 là 4.772 tỷ đồng; năm 2019 là 4.912 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Chăn nuôi Gia Lai, năm 2019 là 3.277 tỷ đồng; Công ty CP Lê Me là 1.635 tỷ đồng.
Cơ sở để HAG trích lập dự phòng trên BCTC tổng hợp như trên, theo HAG là tài sản thuần của Công ty Chăn nuôi Gia Lai có thể thu hồi của năm 2018 là 1.134 tỷ đồng, năm 2019 là 1.599 tỷ đồng; tài sản thuần của Công ty Lê Me có thể thu hồi là 1.235 tỷ đồng; cấn trừ các khoản phải trả của năm 2019 là 1.147 tỷ đồng; Bảo lãnh của ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch HĐQT và các cá nhân có liên quan là 1.403 tỷ đồng.
HAG cũng khẳng định, trong tương lai, khi các dự án và tài sản làm cơ sở đảm bảo phát triển và tăng giá trị thì các khoản dự phòng này có thể được hoàn nhập dần.
Trước đó, như DĐDN đã thông tin, HAG sử dụng kỹ thuật hồi tố để ghi nhận thêm khoản lỗ 4.916 tỷ đồng vào chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019. Trong khi đó, báo cáo tài chính của năm 2019 ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối là hơn 290 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2020 của HAG là 5.085 tỷ đồng.
Động thái này của HAG được giới chuyên gia cũng như nhà đầu tư cho rằng HAG đã sử dụng kỹ thuật hồi tố để đẩy khoản lỗ này về lại năm 2019. Tất nhiên báo cáo tài chính của năm 2019 đã được kiểm toán và đã công bố. Nhưng sau khi dùng kỹ thuật hồi tố và trình bày lại thì phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lại nghiễm nhiên được hợp thức tăng lỗ lên 4.915 tỷ đồng.
“Điều đáng nói là khi doanh nghiệp đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh của năm 2019, thì cũng đồng nghĩa với việc thị trường đã hành động theo kết quả đã được báo cáo của năm đó. Việc đẩy lỗ ngược lại cho năm 2019 là một động thái nhằm che giấu những vấn đề đã xảy ra trước đó và cũng là để giúp cho tình hình kinh doanh của năm 2020 “sáng sủa” hơn về mặt con số”, một chuyên gia cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu như doanh nghiệp nào cũng "do đánh giá các rủi ro chưa thận trọng, đầy đủ", dẫn đến có thời điểm hợp thức hồi tố, thì doanh nghiệp đó cũng được hợp thức đẩy rủi ro cho những nhà đầu tư đã tin tưởng và hành động dựa trên các kết quả kinh doanh của doanh nghiệp?
Có thể bạn quan tâm