HAG lại dùng kỹ thuật để triệu hồi lỗ khủng

ĐÌNH ĐẠI 23/02/2021 11:00

Năm 2020, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) báo cáo lỗ 2.174 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lỗ lũy kế thực ghi lên tới trên 5.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính năm 2020 của HAG, doanh thu công ty cả năm đạt 3.104 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là chi phí quản lý doanh nghiệp của HAG trong năm 2020 đã tăng lên đến 1.195 tỷ đồng. Công ty giải trình đây là khoản trích lập dự phòng các khoản phải thu, cụ thể là khoản phải thu của Công ty chăn nuôi Gia Lai. Do đó, HAG báo lỗ của năm 2020 là 2.174 tỷ đồng.

Khoản lỗ 5.000 tỷ đồng của HAG phần lớn là liên quan đến nợ khó đòi từ Công ty Chăn nuôi Gia Lai.

Khoản lỗ 5.000 tỷ đồng của HAG phần lớn là liên quan đến nợ khó đòi từ Công ty Chăn nuôi Gia Lai.

Theo ông Phan Lê Thành Long - Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - kế toán, HAG đã điều chỉnh hồi tố ghi nhận thêm lỗ 4.916 tỷ đồng vào chỉ tiêu LNST chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019. 

Theo đó, bản cân đối kế toán của năm 2020 ghi nhận số đầu kỳ tại ngày 31/12/2019, được ghi “trình bày lại theo Thuyết minh số 32”. Đều đáng chú ý trong bảng thuyết minh tài chính này là số lỗ lũy kế của năm 2019 là 4.624 tỷ đồng, trong khi đó, báo cáo tài chính của năm 2019 ghi nhận lợi nhuận chưa phân phối là hơn 290 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2020 của HAG là 5.085 tỷ đồng.

Cũng trong bảng cân đối kế toán năm 2020, phần tài sản đầu kỳ ghi nhận 33.575 tỷ đồng, nhưng trong báo cáo của năm 2019, phần tài sản cuối kỳ (31/12/2019) này là 38.632 tỷ đồng. Như vậy, tài sản của HAG đã được ghi sụt giảm đi hơn 5.000 tỷ, và đây chính là con số lỗ của HAG.

Lý do có khoản lỗ này là HAG thực hiện trích lập dự phòng ngắn hạn khó đòi là 2.209 tỷ đồng, dài hạn là 2.938 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo năm 2019, các khoản dự phòng này chỉ lần lượt là 91 tỷ đồng và 253 triệu đồng.

Như vậy, HAG đã sử dụng kỹ thuật hồi tố theo trình bày lại từ thuyết minh số 32 để đẩy khoản lỗ này về lại năm 2019. Tất nhiên báo cáo tài chính của năm 2019 đã được kiểm toán và đã công bố. Nhưng sau khi dùng kỹ thuật hồi tố và trình bày lại thì phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lại nghiễm nhiên được hợp thức tăng lỗ lên 4.915 tỷ đồng.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu của HAG.

Lịch sử giao dịch cổ phiếu của HAG.

Một điều đáng nói khác là khi doanh nghiệp đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh của năm 2019, thì cũng đồng nghĩa với việc thị trường đã hành động theo kết quả đã được báo cáo của năm đó. Việc đẩy lỗ ngược lại cho năm 2019 là một động thái nhằm che giấu những vấn đề đã xảy ra trước đó.

Cụ thể, đối với trường hợp của HAG là liên quan đến các khoản phải thu của Công ty Chăn nuôi Gia Lai. Trong báo cáo tài chính, kiểm toán viên cũng đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của HAG tại thời điểm 31/12/2019. Theo đó, HAG ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị là hơn 10.504 tỷ đồng (31/12/2018 là hơn 7.594 tỷ đồng). Dựa trên những thông tin có, kiểm toán viên lưu ý đã không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng vào ngày 31/12/2019 là 5.668 tỷ đồng.

Ngoài ra,việc chuyển đổi nợ Công ty Chăn nuôi Gia Lai khiến cho giá trị các khoản phải thu về cho vay dài hạn giảm mạnh trong năm 2020, từ 7.514 tỷ đồng xuống còn 1.783 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn khác giảm từ 748 tỷ đồng xuống 515 tỷ đồng.

Nhưng phải thu về cho vay ngắn hạn khác tăng từ 2.267 tỷ đồng lên 4.186 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác tăng từ 467 tỷ đồng lên 632 tỷ đồng.

Phần lớn trong số này là nợ phải thu của Công ty CP Lê Me. Giá trị phải thu cho vay ngắn hạn công ty này 3.644 tỷ đồng; phải thu cho vay dài hạn 840 tỷ đồng; lãi cho vay 120 tỷ đồng; và tiền hợp tác kinh doanh 440 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2020, dư nợ của HAG vẫn còn rất lớn, bao gồm: 9.646 tỷ đồng nợ vay dài hạn; 8.456 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, đã tăng đáng kể trong năm (riêng của Nông nghiệp Trường Hải – THACO 5.123 tỷ đồng); ngoài ra 3.748 tỷ đồng là chi phí lãi vay của các ngân hàng và trái phiếu… Tổng nợ mà HAG gánh chịu lên tới gần 21.900 tỷ đồng.

Đây cũng không phải là lần đầu HAG sử dụng kỹ thuật hồi tố này, mà trong quá khú, HAG cũng đã từng sử dụng kỹ thuật này. Cụ thể là vào năm 2017, HAG đã gây xôn xao giới đầu tư khi điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của năm 2016 liên quan đến thương vụ bán HAGL Sugar.

Có thể bạn quan tâm

  • HAG lại chờ tái cấu trúc, thu hẹp quy mô

    HAG lại chờ tái cấu trúc, thu hẹp quy mô

    15:00, 01/02/2021

  • DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP TUẦN TỪ 4-9/1:

    DOANH NHÂN - DOANH NGHIỆP TUẦN TỪ 4-9/1: "Mối lương duyên" kéo dài của Thaco và HAGL

    11:00, 10/01/2021

  • Có tân chủ tịch, HAGL Agrico sẽ làm gì để

    Có tân chủ tịch, HAGL Agrico sẽ làm gì để "thoát nợ"?

    06:43, 10/01/2021

  • HAGL còn lại gì ở HAGL Agrico?

    HAGL còn lại gì ở HAGL Agrico?

    11:00, 07/01/2021

  • HAGL Agrico hoán đổi khoản nợ để cải thiện chỉ số tài chính

    HAGL Agrico hoán đổi khoản nợ để cải thiện chỉ số tài chính

    12:03, 31/12/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HAG lại dùng kỹ thuật để triệu hồi lỗ khủng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO