Kinh tế địa phương

Hải Dương: Công bố quyết định công nhận thị xã Kinh Môn đô thị loại III

Thu Hà 21/12/2024 12:49

Với kết quả nổi bật trong xây dựng tiêu chí đô thị loại III và niềm vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì Kinh Môn sẽ phát huy lợi thế xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp.

Đó là ý kiến của ông Bùi Xuân Lộc - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã cho biết qua báo cáo phát biểu tại buổi Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và công bố quyết định công nhận thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là đô thị loại III.

Tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng đã trao Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Kinh Môn là đô thị loại III. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn đã có thành tích xuất sắc trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương.

IMG_0470 (1)
Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và công bố quyết định công nhận thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là đô thị loại III.

Ông Bùi Xuân Lộc cho biết thêm, thị xã Kinh Môn đã hoàn thành và hội đủ các tiêu chí đô thị loại III từ kết quả quá trình xây dựng và nâng loại đô thị đã được Hội đồng thẩm định liên ngành của Bộ Xây dựng đánh giá thị xã Kinh Môn đạt 5/5 tiêu chí đô thị, với số điểm 86,36/100 điểm và được Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là đô thị loại III.

Từ đô thị lõi là thị xã Kinh Môn mở rộng gồm 3 thị trấn: Kinh Môn, Phú Thứ và Minh Tân được công nhận là đô thị loại IV vào cuối năm 2014. Đến ngày 15/03/2019, toàn bộ huyện Kinh Môn gồm 22 xã và 3 thị trấn được công nhận là đô thị loại IV; đến ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Kinh Môn với 14 phường và 9 xã.

Để định hướng xây dựng đô thị Kinh Môn với quyết tâm chính trị cao, thị xã Kinh Môn đã chú trọng đặc biệt đến công tác quy hoạch, quản lý đô thị. Tập trung thực hiện hoàn thành các đồ án: quy hoạch chung xây dựng thị xã Kinh Môn đến năm 2040, quy hoạch 5 phân khu đô thị và quy hoạch xây dựng chung 6 xã, Chương trình phát triển đô thị đến năm 2040 và tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc thị xã Kinh Môn để hoàn thiện các thiết chế quản lý, phát triển đô thị.

Không dừng lại ở đó, thị xã đang triển khai đồng thời 5 dự án trọng điểm về giao thông kết nối, 6 dự án khu đô thị, khu dân cư mới với tổng diện tích quy hoạch hơn 214 ha. Kinh Môn cũng tập trung thu hút đầu tư bằng nhiều giải pháp. Ngoài chủ động tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị xã quan tâm tới các tiêu chí cứng về hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

IMG_0471 (3) (1)
Với kết quả nổi bật trong xây dựng đã hội đủ các tiêu chí đô thị loại III và niềm vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì thị xã Kinh Môn sẽ phát huy lợi thế xây dựng đô thị văn minh, giàu đẹp.

Cùng với đó, thị xã Kinh Môn đã có 4 cụm công nghiệp cơ bản lấp đầy, 4 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập và quy hoạch phát triển thêm 2 cụm công nghiệp. Ngoài ra, để khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, thị xã đã quy hoạch dự án Logistic quy mô 44,3ha, tổng mức đầu tư trên 1.400 tỷ đồng tại xã Minh Hòa, quy hoạch dự án sân Golf tại xã Hiệp Hòa quy mô 72,7ha…

Bên cạnh đó, thị xã luôn định hướng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch. Hiện Kinh Môn đã hoàn thiện Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia. Đặc biệt Quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương với 1.800 ha. Thị xã còn có 2 di tích gồm chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ nằm trong hồ sơ Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm -Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Theo Bí thư Thị ủy Kinh Môn Nguyễn Vỹ cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục cụ thể hoá và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong phát triển. Cùng đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; gắn mục tiêu phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Dương: Công bố quyết định công nhận thị xã Kinh Môn đô thị loại III
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO