Những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã kiểm tra, xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
>>Hải Dương: Chủ động tháo gỡ vướng mắc khó khăn để thu hút đầu tư trong nước
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền thì việc thực hiện nghiêm chế tài xử phạt là hình thức hữu hiệu để răn đe những người có hành vi vi phạm môi trường.
Vi phạm…
Mới đây UBND tỉnh Hải Dương ra Quyết định xử phạt hành chính 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (Công ty CP Đầu tư quốc tế Limico-HD 350 triệu đồng do không có báo cáo tác động môi trường được phê duyệt theo quy định khi triển khai dự án; Công ty TNHH Trường Phát HD 300 triệu đồng, do không có báo cáo tác động môi trường theo quy định. Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra vào tháng 10/2021; Công ty TNHH Cơ điện An Lai Việt Nam 265 triệu đồng về hai hành vi vi phạm gồm không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định và xả nước thải có thông số Colifom vượt 92 lần quy định cho phép). Tổng số phạt ba doanh nghiệp là 915 triệu đồng.
Tiếp theo là Công ty TNHH một thành viên Thương mại Tuấn Tài Kinh Môn vừa bị Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường xử phạt vi phạm hành chính 280 triệu đồng. Nguyên nhân do công ty này lưu giữ phế liệu nhập khẩu không đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường theo quy định. Cụ thể, công ty lưu giữ khoảng 100 tấn phế liệu giấy nhập khẩu tại bãi đất trống ngoài trời, không có mái che, không có hệ thống thu gom và xử lý nước mưa chảy tràn và các loại nước phát sinh trong quá trình lưu giữ.
Trước đó, năm 2021 huyện Kim Thành đã phối hợp thực hiện 20 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường tại doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong huyện.
Qua kiểm tra, thanh tra, cơ quan chức năng đã kiến nghị, xử phạt 8 đơn vị, cá nhân với tổng số tiền trên 374 triệu đồng. Một số tổ chức, cá nhân có mức xử phạt cao như: Công ty CP Môi trường ATP - Seraphin (xã Việt Hồng, Thanh Hà) bị phạt 188 triệu đồng; Công ty TNHH một thành viên Bao bì Toàn Cầu (xã Kim Xuyên) 75 triệu đồng; cá nhân ông Đinh Văn Hòa (xã Tam Kỳ) 45 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Đã (xã Kim Liên) 12,5 triệu đồng...
Trong quý 1/2022 lực lượng công an tỉnh Hải Dương phát hiện, xử lý 419 vụ, 419 đối tượng vi phạm về môi trường (tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 408 đối tượng).Trong quý 1/2022 lực lượng công an tỉnh Hải Dương phát hiện, xử lý 419 vụ, 419 đối tượng vi phạm về môi trường (tăng gấp 38 lần so với cùng kỳ năm ngoái, 408 đối tượng).
Hầu hết các tổ chức, cá nhân bị xử phạt do không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thực hiện lắp đặt thiết bị vận hành hệ thống xử lý nước thải, tập kết rác thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định...
Nỗ lực khắc phục
Năm 2016, nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu của Công ty TNHH Sejin Vina ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) xả nước thải gây ô nhiễm môi trường (ONMT). Công ty này đã bị đưa vào danh sách các cơ sở gây ONMT trên địa bàn tỉnh cần phải xử lý. UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp xử lý ONMT theo quy định, lắp đặt các thiết bị xử lý ô nhiễm phù hợp thực tế sản xuất để giảm thiểu lượng phát thải các chất gây ô nhiễm và xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép.
Trước yêu cầu của tỉnh Hải Dương, công ty đã từng bước khắc phục các hạn chế, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 50 m3/ngày đêm để xử lý toàn bộ nước thải phát sinh; phân lập hệ thống thu gom nước thải và nước mưa. Năm 2018, công ty này đã được UBND tỉnh cấp giấy phép xả thải vào mương thoát nước chung của khu vực với lưu lượng lớn nhất 45 m3/ngày đêm. Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình vận hành và việc khắc phục các hạn chế của doanh nghiệp này.
Là doanh nghiệp của Nhật Bản hoạt động tại Hải Dương từ năm 2007, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam trong khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) chuyên sản xuất, gia công, chế tạo và lắp ráp các bộ phận, sản phẩm kim loại cho thiết bị văn phòng tự động, công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp khác. Tháng 5.2021, trong quá trình hoạt động, công ty này đã để xảy ra sự cố làm phát sinh khói vàng ra môi trường. Tháng 7.2021, Chủ tịch UBND tỉnh hải Dương đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty 344 triệu đồng do một số vi phạm trong lĩnh vực môi trường, quản lý và sử dụng hóa chất.
Sau khi xảy ra sự cố khoảng 2 tháng, đơn vị này đã khắc phục xong các hạn chế được chỉ ra. Ngày 16.8.2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra việc khắc phục các vi phạm. Qua kiểm tra cho thấy, Công ty TNHH Fuji Seiko Việt Nam đã cơ bản khắc phục xong các vi phạm.
Do không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi tăng công suất của dự án nhà máy tổ hợp nhựa và khuôn mẫu chính xác nên tháng 10.2020, Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) đã bị phạt 325 triệu đồng. Sau khi có quyết định xử phạt của tỉnh, doanh nghiệp đã chấp hành nộp phạt và thực hiện nghiêm các yêu cầu của cơ quan chức năng. Công ty đã lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 11.2020.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Thắng, cán bộ phụ trách môi trường của Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hàn Precision, doanh nghiệp đã khắc phục xong các hạn chế về môi trường. Bên cạnh việc tuân thủ các nội dung theo đánh giá tác động môi trường của cơ quan chức năng, cuối năm 2020, đầu năm 2021 công ty đã đầu tư 2 hệ thống bảo vệ môi trường mới là hệ thống máy hút khí bụi của phòng xay và hệ thống lọc khí bằng than hoạt tính. Việc đầu tư 2 hệ thống này giúp bảo đảm và nâng cao chất lượng xử lý bụi, khí thải trong quá trình hoạt động.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương cho biết: Công ty TNHH Sejin Vina hoàn thành xử lý ONMT theo yêu cầu của tỉnh. Kết quả quan trắc cho thấy nước thải sau xử lý có các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép. Điều này đồng nghĩa việc công ty đủ điều kiện để đưa ra khỏi danh sách các cơ sở gây ONMT trên địa bàn tỉnh cần phải xử lý.
Theo ông Đinh Văn Châu, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm (Ninh Giang), những năm trước, người dân trên địa bàn xã thường phản ánh về việc ONMT từ hoạt động của Công ty TNHH Sejin Vina do quá trình xử lý chất thải. Chính quyền địa phương đã xác minh và báo cáo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, gần một năm nay, người dân không còn phản ánh về việc này.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, phần lớn các doanh nghiệp vi phạm đã có ý thức tự giác chấp hành và chủ động thực hiện các giải pháp để khắc phục các hạn chế, vi phạm được chỉ ra. Các đơn vị chuyên môn của sở thường xuyên phối hợp chính quyền địa phương giám sát việc thực hiện, vận hành công trình bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nằm trong danh sách các cơ sở gây ONMT cần phải xử lý. Sở đã tham mưu cho tỉnh công khai các doanh nghiệp vi phạm môi trường; đồng thời kiểm tra, rà soát đưa ra khỏi danh sách nếu doanh nghiệp đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định và khắc phục xong các vi phạm.
Có thể bạn quan tâm