Song song với việc chú trọng đón dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì Hải Dương cũng đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trong nước (DDI) với kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp.
>>>PCI Hải Dương vượt qua 34 bậc như thế nào?
>>>Hải Dương: Phấn đấu thu hút 500 triệu USD vốn FDI trong năm 2022
Trong khi các tỉnh khác chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì Hải Dương lại chú trọng nhiều dự án đầu tư trong nước (DDI). Với kỳ vọng trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, Hải Dương đã và đang chủ động tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nói chung, các doanh nghiệp trong nước nói riêng.
Chủ động tháo gỡ…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021, Hải Dương chấp thuận đầu tư cho 72 dự án DDI mới với tổng vốn gần 12.800 tỷ đồng, điều chỉnh 61 dự án có tổng vốn tăng thêm 624 tỷ đồng, tương đương với năm 2020 và tăng hơn 10% so với năm 2019. Với 11 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động; 6 KCN, KCN mở rộng đang được triển khai đầu tư có quy mô 1.100 ha và 53 cụm công nghiệp(CCN) rộng gần 2.700 ha, Hải Dương có điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp DDI.
Ngoài ra, khu kinh tế (KKT) chuyên biệt với diện tích dành cho phát triển công nghiệp hơn 5.000 ha tỉnh đang đề xuất với Chính phủ nếu được thông qua cũng sẽ là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư DDI lớn. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp DDI vào các KCN, CCN.
>>>Hải Dương: Hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm lên sàn điện tử
Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 20/4, Hải Dương mới chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký 88 tỷ đồng, chỉ bằng 3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, 12 dự án được điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng không tăng vốn. Vậy điểm nghẽn nào khiến doanh nghiệp DDI còn chần chừ khi lựa chọn Hải Dương làm bến đỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng - Phó Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Theo Nghị định 148 được ban hành vào tháng 12/2020 liên quan đến tỷ lệ đất công trong dự án đã làm cho không ít doanh nghiệp DDI lỡ hẹn đầu tư. Theo đó, những khu đất nhà đầu tư hướng tới, nếu có đất công, đủ điều kiện xây dựng dự án độc lập thì Nhà nước phải thu hồi đất rồi thực hiện các bước đầu tư tiếp theo.
Từ khi Nghị định 148 có hiệu lực (tháng 2/2021) đến nay, tỉnh Hải Dương vẫn chưa ban hành quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích đất do Nhà nước quản lý để tách thành dự án độc lập. Điều này gây khó khăn cho việc hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đề nghị Nhà nước giao đất. Mặt khác, cơ hội sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không cho phép việc kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng. Việc xác định nguồn gốc đất càng kéo dài thì rủi ro của nhà đầu tư càng lớn.
Thời gian tới, khắc phục khó khăn Hải Dương tập trung quản lý, giám sát thực hiện và nâng cao chất lượng lập các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng và thực hiện công bố công khai đầy đủ, kịp thời thông tin các quy hoạch; tập trung hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch xây dựng vùng huyện; lập quy hoạch chi tiết xây dựng và hoàn thiện thủ tục đầu tư một số khu, cụm công nghiệp; lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030.
Vừa qua, Ban Thường vụ (BTV) Hải Dương đã có thông báo về việc ban hành quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ diện tích đất do Nhà nước quản lý để tách thành dự án độc lập. Theo đó, BTV Tỉnh ủy giao UBND tỉnh rà soát, hoàn thiện, báo cáo xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền để sớm ban hành quy định này. Khi quy định này được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đất đai.
BTV Tỉnh ủy Hải Dương cũng yêu cầu khẩn trương ban hành hướng dẫn quy trình tiếp nhận, thẩm định, trình chấp thuận đầu tư dự án mới, dự án điều chỉnh và thu hồi chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 đối với các dự án ngoài KCN. Các quy trình, thủ tục được thực hiện công khai, minh bạch để các nhà đầu tư tham khảo, nghiên cứu rồi đưa ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, tỉnh còn thành lập ban chỉ đạo, tổ xúc tiến hoạt động đầu tư nhằm gỡ khó cho các dự án cụ thể.
Được biết, Hải Dương đã chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đáp ứng theo quy mô đầu tư của các doanh nghiệp DDI. Ngoài thu hút các doanh nghiệp mới thì Hải Dương cũng quan tâm tới việc "nuôi dưỡng" các dự án đã đầu tư bằng những chính sách gỡ khó về vốn, tín dụng và khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Từ đó, dần hình thành nguồn lực DDI ổn định và lớn mạnh. Với những giải pháp đồng bộ tỉnh kỳ vọng sẽ tạo được đột phá về thu hút dự án DDI trong thời gian tới.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương cho biết: Khi các dự án FDI phát triển mạnh thì các doanh nghiệp DDI sẽ góp phần cân đối cơ cấu đầu tư, tránh lệ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. Từ đó, bức tranh kinh tế của tỉnh sẽ trở nên hài hoà khi có các dự án đầu tư phù hợp với điều kiện đất đai, giao thông, lao động… và quy mô vốn.
Vì thế, dù tích cực xúc tiến đầu tư FDI thì tỉnh cũng không bỏ qua nguồn lực lớn trong nước. Những khó khăn, vướng mắc đang được các cấp, ngành trong tỉnh tích cực tháo gỡ để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước.
Hải Dương chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021- 2025; tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghệ thông tin, làng nghề; nắm sát nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, dự báo giá cả hàng hóa giúp các doanh nghiệp, cá nhân nắm bắt nhanh diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp.
Cùng với việc quản lý, đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, lựa chọn nhà thầu và thực hiện đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, dự án lớn và các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, kết nối liên tỉnh, tỉnh chú trọng đẩy nhanh quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Hoạt động tư vấn và xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án có công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm mới được đẩy manh; đồng thời, thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Lĩnh vực tín dụng cũng được thúc đẩy với các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp; có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng, đặc biệt là khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tập trung tín dụng cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh, dự án, phương án có khả năng phục hồi cao, tạo sự lan tỏa.
Theo ông Phạm Xuân Thăng - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương: Cơ hội lớn nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, nhất là các dự án lớn để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm xây dựng Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Với những nền tảng đã có cùng với tiềm năng chưa được khai thác, Hải Dương hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm