Lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các đơn vị liên quan phải phối hợp, khẩn trương rà soát, khắc phục ngay những vấn đề còn tồn tại trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn Hải Dương.
>>>Hải Dương: Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, giáo dục với Hàn Quốc
Khẩn trương giải quyết việc khó
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Triệu Thế Hùng đã chỉ đạo, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và một số địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá các khu đất đã thu hồi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, khẩn trương tham mưu đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất tại khu đất số 167 Bạch Đằng (TP Hải Dương); chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kịp thời tham mưu UBND tỉnh phương án đấu giá các khu đất thu hồi của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các thành phố Hải Dương, Chí Linh; thị xã Kinh Môn; các huyện Ninh Giang, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Kim Thành, Nam Sách rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất để sớm triển khai đấu giá các khu đất trên địa bàn. Rà soát, tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ để sớm có đất sạch phục vụ đấu giá…
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường: Sau nhận chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh chỉ sau 4 ngày, 4 khu đất "vàng" ở TP Hải Dương đã thu hồi có thể tổ chức đấu giá trong nửa đầu năm 2024; 18 khu đất tại các huyện Ninh Giang, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành; TP Hải Dương, Chí Linh và thị xã Kinh Môn cũng có thể đấu giá trong thời gian tiếp theo.
Theo ông Phạm Quốc Toàn – Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Hoa Phượng: Năm 2023 được ghi nhận là 1 năm ế ẩm của những cuộc đấu giá đất ở nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương bởi ảnh hưởng chung của thị trường bất động sản trầm lắng. Đấu giá đất khó khăn đã ảnh hưởng lớn tới nguồn thu ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công.
Tuy nhiên không thể vì sự khó khăn đó mà việc này bị chậm trễ. Bởi nguồn thu từ đấu giá đất chính là nguồn lực quan trọng để các địa phương nói riêng, toàn tỉnh nói chung thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Mới đây, tại phiên họp UBND tỉnh Hải Dương tháng 3 (lần 1), Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu giải quyết dứt điểm vướng mắc tại Công ty TNHH Rượu vang và Rượu mạnh La Martiniquaise Việt Nam đã kéo dài nhiều năm.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng gói đồ uống và nước giải khát của Công ty TNHH Eura Top (gọi là Công ty Eura Top) được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư vào năm 2002. Quy mô dự án sản xuất rượu vang hộp, rượu vang chai công suất 169.000 lít/năm, doanh thu dự kiến hơn 9,4 tỷ đồng/năm. Tổng diện tích đất sử dụng 7.000 m2 thuộc xã Hồng Khê (Bình Giang). Thời gian xây dựng hoàn thành trong khoảng 2002-2003, thuê đất trong 25 năm.
Sau khi được tỉnh chấp thuận, nhà đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục đất đai, được UBND tỉnh cho thuê đất trả tiền hằng năm với diện tích 6.444 m2. Năm 2004, Công ty Eura Top và Công ty S.V.S La Martiniquaise hợp tác thành lập doanh nghiệp liên doanh. Doanh nghiệp liên doanh đã đầu tư dây chuyền sản xuất, sửa chữa hạng mục công trình, xây mới nhà văn phòng và hoạt động đến nay.
Năm 2017, Công ty Eura Top chuyển nhượng một phần cổ phần trong liên doanh. Năm 2019, công ty chuyển nhượng toàn bộ phần góp vốn trong liên doanh và không còn là thành viên của Công ty La Martiniquaise Việt Nam.
Theo báo cáo, từ khi được chấp thuận dự án đầu tư đến nay, Công ty Eura Top chưa đề nghị điều chỉnh dự án, không có giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản khi thay thế.
Tháng 8/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra thực tế địa điểm thực hiện dự án. Trên khu đất thực hiện dự án có hoạt động đóng chai, làm nhà kho chứa rượu của Công ty La Martiniquaise Việt Nam, không có hoạt động của Công ty Eura Top. Về thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, Công ty Eura Top là đơn vị thực hiện nộp tiền thuê đất.
Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này còn phải nộp ngân sách nhà nước gần 6,5 tỷ đồng. Công ty La Martiniquaise Việt Nam có nhiều văn bản đề xuất UBND tỉnh cho thuê, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng: Vướng mắc tại Công ty La Martiniquaise Việt Nam đã diễn ra nhiều năm, pháp luật nhà nước liên quan đến đầu tư, đất đai có nhiều thay đổi. Trong khi đó, căn cứ pháp lý để chấm dứt dự án hoặc thu hồi đất đã cấp cho Công ty Eura Top chưa chặt chẽ.
Ông Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp liên quan rà soát quy trình đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện dự án. Từ cơ sở này, UBND tỉnh sẽ có hướng giải quyết dứt điểm, thấu đáo những vướng mắc tại dự án theo quy định của pháp luật.
Quyết tâm tháo gỡ
Sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu xuân của người đứng đầu chính quyền tỉnh cùng sự ráo riết của các ngành, địa phương cho thấy quyết tâm bứt phá của Hải Dương trong năm 2024.
Cụ thể, để ráo riết giải quyết dứt điểm một số dự án của doanh nghiệp trên địa bàn, UBND tỉnh Hải Dương họp để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2.
Theo ông Lưu Văn Bản - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Dự án khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Vì vậy, những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng phải sớm được tháo gỡ để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng, đón nhà đầu tư thứ cấp.
Theo đó, ông Bản yêu cầu địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan quyết tâm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư trong tháng 3 tới. Trong đó, lưu ý công tác giải phóng mặt bằng phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và công bằng. Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân nắm bắt thông tin về vai trò, lợi ích của dự án, quá trình triển khai các bước bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình xây dựng phương án bồi thường phải bảo đảm lợi ích cao nhất của người dân theo quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp sau khi đã được tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhưng vẫn không chấp hành thì xây dựng kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất.
Đối với đề xuất, kiến nghị khi so sánh chế độ, chính sách với một số dự án tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương), ông Bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để có câu trả lời thỏa đáng cho người dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Cẩm Giàng, Dự án khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2 hiện còn vướng giải phóng mặt bằng 76 ha ở các xã Cẩm Đoài và Cẩm Đông. Trong phạm vi giải phóng mặt bằng có 201 hộ có tài sản trên đất. Hiện đã có 35 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. UBND huyện đang hoàn thiện hồ sơ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 166 hộ còn lại…
Theo ông Trần Đức Thắng - Bí thư Tỉnh ủy: Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII. Đây cũng là năm đầu tiên Hải Dương thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, việc ráo riết thực hiện ngay các nhiệm vụ từ những ngày đầu xuân năm mới là rất quan trọng. Trong đó ưu tiên tháo gỡ những việc khó sẽ giúp Hải Dương sớm thu hái được "quả ngọt".
Có thể bạn quan tâm