Bức thành trì tưởng chừng bất khả xâm phạm – Hải Phòng cuối cùng cũng bị vius SARS-CoV-2 tấn công. Nhưng, Hải Phòng không hề hoang mang!
Mặc dù trên bản đồ dịch COVID-19, Hải Phòng đã đánh dấu đỏ cách đây gần 1 tháng. Thế nhưng, bệnh nhân 1561 chỉ là trường hợp “quá cảnh” đến Hải Phòng chăm sóc con tại Bệnh viện trẻ em Hải Phòng và trở về Hải Dương. Hải Phòng vẫn an toàn, dù 2 người láng giềng sát nách Hải Dương, Quảng Ninh xuất hiện nhiều bệnh nhân COVD-19 ngay từ đầu năm mới.
Nhưng, sáng 22/2 nữ điều dưỡng của Bệnh viện Giao thông vận tại Hải Phòng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, Hải Phòng chính thức có bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng.
Sốc! Một bộ phận khá đông người Hải Phòng sốc. Không sốc sao được khi Hải Phòng được ví như thành trì “bất khả xâm phạm” với nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt nhưng cuối cùng vẫn không giữ được. Mặc dù, trong thời điểm bùng phát dịch tại 2 địa phương lân cận là Quảng Ninh, Hải Dương, thành phố Hải Phòng đã có nhiều biện pháp “rắn” để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào thành phố. Thậm chí, những biện pháp ấy của Hải Phòng bị coi là “làm khó”, là “ngăn sông, cấm chợ”,...
Xét cho cùng nếu không làm chặt, Hải Phòng liệu có giữ được thành phố đến hôm nay? Để đánh giá hơn – thiệt, hãy so sánh 1 cách đơn giản: Thành phố gần 3 triệu dân với hoạt động thương mại – dịch vụ nhộn nhịp thuộc top đầu cả nước, nếu phải cách ly - phong tỏa sẽ ra sao? Thêm nữa, Hải Phòng là cửa ngõ của khu vực phía Bắc, mỗi ngày các cảng khu vực Hải Phòng thực hiện việc xếp dỡ khoảng 1/2 triệu tấn hàng hóa xuất - nhập khẩu, nếu phải dừng hoạt động này, thiệt hại kinh tế của riêng Hải Phòng và cả khu vực sẽ ra sao? Chỉ cần 20 con tàu nằm “chết dí” tại cảng, mỗi ngày cũng mất cả trăm tỷ; Hơn 10 nghìn phương tiện xe đầu kéo mỗi ngày “đắp chiếu” sẽ thiệt hại bao nhiêu? Rồi nữa, Hải Phòng có khoảng 10 khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy và hàng vạn lao động, nếu đóng cửa thì khó ai thống kê nổi mức độ thiệt hại kinh tế đến đâu?,…
Nhiều ý kiến cho rằng, Hải Phòng đã vận dụng thiếu mềm mại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đó là thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”. Thế nhưng, nhìn xa hơn chính cái “rắn” ấy của Hải Phòng mới thực sự là mục tiêu kép, “rắn” để ngăn dịch, “rắn” để và phát triển kinh tế. Và kết quả, trong năm 2020 Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thế nhưng, rạng sáng 22/2 Hải Phòng đã đón nhận một kết quả không hề mong muốn, đó là trường hợp 1 nữ điều dưỡng viên Bệnh viện Giao thông vận tải Hải Phòng dương tính với vius SARS-CoV-2. Và chỉ ít giờ sau, 02 trường hợp khác là bạn trai và em gái của nữ điều dưỡng kia cũng cho kết quả dương tính. Theo lịch trình di chuyển đã xác định nữ điều dưỡng cùng bạn trai đã về quê bạn trai tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương thăm bố mẹ ngày 6/1/2021 và trở về Hải Phòng cùng ngày.
Vậy là công sức của cả thành phố hơn 1 năm qua đã bị phụ bạc. Hải Phòng bước vào “cuộc chiến” với diễn biến mới. Thành phố cấp tốc triển khai các biện pháp dập dịch. Ngày từ sáng sớm 22/2, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo khoanh vùng, dập dịch, truy vết các trường hợp F1, F2, F3, phong tỏa các địa điểm là nơi cưu trú, công tác của các bệnh nhân trên,... Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã họp gấp và chỉ đạo nhiều biện cấp bách dập dịch. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đến đêm 22/2 Hải Phòng đã truy vết và khoang vùng được hàng trăm trường hợp là F1, F2, F3.
Chỉ trong 1 ngày, Hải Phòng đã có nhiều quyết sách, quyết định thiết lập các vùng cách ly y tế (phong tỏa), quyết định kiện toàn Tổ công tác thực hiện mua sắm hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu cung cấp cho nhân dân trong vùng phong tỏa, cách ly y tế. Đồng thời, ban hành Chỉ thị thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội: Lấy mẫu xét nghiệm tất cả các công dân trong khu vực phong tỏa, phun khử khuẩn, truy vết, cách ly tập trung và tại nhà; Tổ chức cung lương thực và thực phẩm thiết yếu hỗ trợ cho các công dân khu vực phong tỏa với mức 45.000 đồng/người/ngày. Đồng thời tạm đình chỉ các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí, kinh doanh lữ hành, các khu du lịch; các cơ sở kinh doanh ăn uống tại chỗ, vũ trường, karaoke; các cơ sở kinh doanh không thiết yếu; mọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra khỏi nhà khi có việc cần thiết; không ra khỏi nhà sau 22 giờ 00 phút hằng ngày; chỉ được ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp hoặc đi làm ca đêm tại các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố,…
Ngoài gấp rút các biện pháp ngăn chặn dịch, Hải Phòng cũng cương quyết trong việc thực hiện việc phòng chống dịch. Ngay trong chiều 22/2, thành phố có văn bản giao Công an thành phố điều tra, xử lý đối với 02 trường hợp (nữ điều dưỡng và bạn trai) có dấu hiệu vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cũng như trước đó, thành phố đã chỉ đạo lực lượng chức năng, địa phương xử lý nhiều trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế tại huyện An Dương, quận Lê Chân, quận Hải An,…
Với những “phản ứng nhanh” của thành phố như vậy, người Hải Phòng không hề hoang mang. Ông Nguyễn Văn Nam (thôn Trang Quan, xã An Đồng, huyện An Dương) cho biết, "chúng tôi tin chắc Hải Phòng sẽ khống chế được dịch nhanh chóng nhờ các biện pháp nhanh, quyết liệt và đồng bộ như vậy".
Còn nhớ, ngày 06/3 năm ngoái, Hải Phòng đã "phát sốt" với thông tin ông N.K.T (bố bệnh nhân N.H.N) từng tiếp xúc với con gái trước khi về Hải Phòng. Rồi 24 trường hợp khác đi cùng chuyến bay với N.H.N là người Hải Phòng,… Ngay lập tức, Hải Phòng phong tỏa 4 khu dân cư, khoanh vùng hàng trăm người cách ly y tế. Hàng nghìn người dân đổ xô đến các siêu thị mua hàng tích trữ. Nhiều siêu thị đã “cháy hàng”.
Ngay lập tức, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã họp khẩn. Ông Lê Văn Thành - Bí thư thành ủy Hải Phòng tuyên bố: “Thành phố sẽ đảm bảo cung cấp lương thực – thực phẩm miễn phí tại khu vực có dịch. Nhân dân không phải lo ngại thiếu lương thực – thực phẩm, chỉ cần thành phố gọi điện một cuộc, lập tức có hàng chục tàu chở gạo, mì tôm, thực phẩm cung cấp cho bà con,…”. Đoạn phát biểu của ông Thành dài chưa đầy 1 phút nhưng đã đủ sức mạnh để trấn an gần 3 triệu dân thành phố Hải Phòng. Và chỉ ngay trong sáng hôm sau (07/3), tất cả các hoạt động mua sắm trên địa bàn Hải Phòng trở lại bình thường.
Và, mới đây ông Thành lại mạnh dạn tuyên bố, Hải Phòng sẽ bỏ tiền ngân sách để mua vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn bộ nhân dân thành phố. Chưa biết tuyên bố của Bí thư thành ủy Hải Phòng có thành hiện thực hay không nhưng đã làm “ấm lòng” hàng triệu người dân đất Cảng.
“Chống dịch bằng…niềm tin” - nghe có vẻ mơ hồ. Nhưng không! Người Hải Phòng là vậy. Chính quyền đã đặt niềm tin vào nhân dân. Và nhân dân - họ đặt niềm tin tuyệt đối vào những gì mà lãnh đạo thành phố đã và đang làm suốt hơn 1 năm qua.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây
08:56, 22/02/2021
Hải Phòng: Không khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, một người dân bị phạt 20 triệu đồng
19:59, 18/02/2021
Hải Phòng: Thu hút đầu tư vượt thách thức cùng COVID-19
00:56, 18/02/2021
Hải Phòng: Công dân Hải Dương cố tình về Hải Phòng phải chịu chi phí cách ly
00:00, 17/02/2021
Hải Phòng: Tổ chức xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng
00:00, 16/02/2021