Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI tại Hải Phòng năm 2021 vẫn đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020, dù chịu tác động không nhỏ bởi dịch COVID-19.
>>>Hải Phòng: Chủ động xúc tiến thu hút đầu tư để phát triển kinh tế
>>>DEEP C quy hoạch khu nhà ở công nhân rộng gần 50ha tại Hải Phòng
Bất chấp đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hải Phòng trở thành một trong những "điểm sáng" thu hút FDI của cả nước. Không chỉ chủ động “đi trước một bước” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hải Phòng còn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng các KCN, CCN để “dọn tổ đón đại bàng”.
“Quần hùng hội tụ”
Cuối tháng 8/2021, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đã "rót" thêm 1,4 tỷ USD vào công ty "con" của mình là dự án LG Display tại TP Hải Phòng. Với việc “rót” thêm vốn này đã nâng tổng số vốn đầu tư của LG tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD và trở thành dự án có vốn đầu tư FDI lớn nhất tại địa phương này. Trước đó, vào đầu năm 2021, công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cũng được đầu tư thêm 750 triệu USD. Trong quá khứ, LG Display chính thức đầu tư tại Hải Phòng vào năm 2016, khi đó họ thành lập công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng với số vốn đầu tư ban đầu 1,5 tỷ USD để sản xuất màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động, màn hình OLED ti-vi, màn hình LCD... Liên tục sau đó, công ty đã bốn lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất của dự án.
Cũng trong năm 2021, nhiều dự án FDI được đầu tư mới hoặc điều chỉnh tăng vốn tại Hải Phòng, như: Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (KCN Vsip) đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD; Công ty Ohsung Vina (KCN Tràng Duệ) tăng 19 triệu USD, Công ty Shanghai Moons Electronics (KCN Vsip) đầu tư 18 triệu USD; Công ty TNHH điện tử Tongwei (KCN An Dương) tăng 31 triệu USD,... Các dự án này đang ngày càng chuyển từ đầu tư chiều rộng sang chiều sâu, với vốn đầu tư lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường...
Việc quyết định tăng vốn đầu tư của hàng loạt các dự án FDI chính là minh chứng thuyết phục, khẳng định về một Hải Phòng phát triển, bứt phá, một điểm đầu tư tốt, đặc biệt trong thời điểm diễn biến của dịch COVID-19 đang phức tạp.
Từ “vá” lỗ hổng “cải cách hành chính”…
Dù là điểm sáng về thu hút FDI, song khi đặt Hải Phòng trong mối tương quan với các địa phương lân cận, ông Trần Lưu Quang – Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã thẳng thắn chỉ ra rằng: Quảng Ninh với thế mạnh trong cải cách thủ tục hành chính; Thái Bình với KKT ven biển 3.000 ha và đang có lợi thế của người đi sau, khắc phục được điểm yếu của KCN, KKT Hải Phòng hay Hải Dương vốn có truyền thống thu hút FDI... Vì vậy, ngoài việc chủ động tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, TP Hải Phòng cần khắc phục ngay những hạn chế, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính... để phục vụ các nhà đầu tư.
Thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình, TP Hải Phòng đã nhanh chóng khắc phục, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Park Jae Hong - Phó tổng giám đốc công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng cho rằng: Mặc dù Việt Nam có nhiều KCN ở các tỉnh, thành phố, nhưng chúng tôi lựa chọn Hải Phòng là nơi đầu tư vì TP Hải Phòng đã rất quan tâm, hỗ trợ, theo sát doanh nghiệp. Hải Phòng đã cố gắng hỗ trợ, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, giúp chúng tôi được tăng vốn đầu tư một cách nhanh nhất. Việc tăng vốn đầu tư mới thời gian qua, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp luôn mong muốn cùng phát triển đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP Hải Phòng nói riêng và tăng trưởng nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Chúng tôi hy vọng, ngoài LG Display, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nước ngoài trên thế giới sẽ lựa chọn TP Hải Phòng là điểm đến an toàn.
… đến tạo “đất lành”
Trên thực tế, diện tích đất tại đa số các KCN hiện còn có thể thu hút đầu tư là rất ít, phân bổ nhỏ lẻ trong các KCN (187,9 ha) và mặt biển chưa san lấp (trên 700 ha). Quy mô diện tích còn lại là tương đối khó khăn để có thể đạt được hiệu quả thu hút đầu tư. Trong khi, TP Hải Phòng đặt mục tiêu trong 5 năm 2021-2025 phấn đấu thu hút 12,5-15 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, để chuẩn bị cho mục tiêu lớn này, trước mắt, TP Hải Phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB, xây dựng các KCN, tập trung cho các KCN Tràng Duệ giai đoạn 3; KCN VSIP; KCN Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng,… để có thể sẵn sàng có nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần đắc lực “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
>>>Hải Phòng: Công nghiệp tạo động lực tăng trưởng kinh tế
>>>10 thành tựu nổi bật của Hải Phòng năm 2021
Ông Ruben Baeckelandt – Đại diện KCN Deep C cho biết, đến cuối năm 2021, tổ hợp KCN Deep C đã thu hút được 115 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4 tỷ USD; tỷ lệ lấp đầy của KCN Deep C 1 đạt 95%, KCN Deep C 2A đạt 19%, KCN Deep C 2B đạt 76%. KCN Deep C 3 đang trong quá trình bồi thường, GPMB và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bắt đầu bố trí mặt bằng cho nhà đầu tư thứ cấp từ quý I/2022 ngay sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết điều chỉnh. Dự kiến, năm 2022 sẽ cho thuê được 78,53ha, trong đó 71% các nhà đầu tư nước ngoài đã đồng ý ký kết thoả thuận, tương đương 56,05ha.
Thực tế, sau khủng hoảng của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, làn sóng đầu tư FDI được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Trong đó, TP Hải Phòng được coi là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của các nhà đầu tư: kiểm soát tốt dịch COVID-19, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi… Không thể phủ nhận điều đó, khi trong năm 2021, với sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài, Hải Phòng đã lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu trong danh sách thu hút nhiều vốn ngoại, góp phần quan trọng vào sự phục hồi chung của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong một năm đầy biến động. Và chỉ tính riêng trong tháng 1/2022, tại Hải Phòng đã có 5 dự án cấp mới và điều chỉnh với tổng vốn đầu tư cấp mới; tăng thêm khoảng 229 triệu USD (gồm 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - 140 triệu USD và 2 dự án đầu tư trong nước - 2.048 tỷ đồng)
Đặc biệt, đến nay, TP Hải Phòng đã thành lập và đi vào hoạt động 12 KCN, với tỉ lệ lấp đầy trung bình của các KCN là 62,5%. Trong vòng 5 năm tới, Hải Phòng có thể có thêm 15 KCN mới với tổng diện tích hơn 6.000ha. Đây là bước tiến rất lớn, thể hiện quyết tâm của TP Hải Phòng trên chặng đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo ông Trần Lưu Quang, thời gian tới, công tác thu hút vốn FDI của Hải Phòng sẽ gặp nhiều thách thức bởi các tỉnh, thành phố khác cũng có nhiều tương đồng về vị thế và môi trường đầu tư, kinh doanh. Do đó, để tiếp tục duy trì kết quả về thu hút dòng vốn FDI, ông Quang yêu cầu phải tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các KCN. Theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2026, TP. Hải Phòng sẽ cần 190.000 - 200.000 lao động đến từ các địa phương khác. Hải Phòng sẽ đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phát triển y tế, trường học để đáp ứng nhu cầu của người lao động đến và gắn bó với thành phố…
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Cầu Rào 1 về đích đúng tiến độ
11:00, 26/01/2022
Hải Phòng: Chủ động xúc tiến thu hút đầu tư để phát triển kinh tế
01:52, 26/01/2022
DEEP C quy hoạch khu nhà ở công nhân rộng gần 50ha tại Hải Phòng
12:21, 25/01/2022
Hải Phòng: Doanh nghiệp không được để nợ lương người lao động trong dịp Tết
01:28, 25/01/2022
Hải Phòng: Công nghiệp tạo động lực tăng trưởng kinh tế
00:36, 19/01/2022