Đang có 2 thái cực về dự báo lãi suất trong 2024, theo đó, có cả kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm lẫn khả năng lãi suất điều hành sẽ tăng lên vào cuối năm.
>>>UOB: Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất ổn định cho hiện tại
Sau 4 lần giảm lãi suất điều hành trong 2023, các loại lãi suất của NHNN hiện nay đã về mức rất thấp.
Dù lãi suất thấp nhưng hệ thống ngân hàng vẫn hút tiền gửi cao kỷ lục trong khi các kênh đầu tư thụ đồng trên thị trường chưa cho dấu hiệu sẽ tăng thanh khoản, hút dòng tiền. Mặt khác cũng chưa dễ dàng đẩy giải ngân với room tín dụng được giao, khiến kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm cũng tăng lên.
VNDirect nhận định, NHNN có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% trong quý II/2024, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4,0% và lãi suất chiết khấu về 2,5%. “Trong năm 2024, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân được dự báo sẽ duy trì ở vùng thấp 4,5-5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân sẽ giảm thêm 0,5-1% nhờ chi phí huy động vốn thấp của các ngân hàng”, VNDirect dự báo.
Tuy nhiên, một lãnh đạo NHNN cho biết NHNN định hướng chính sách tiền tệ linh hoạt, đảm bảo các nhiệm vụ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng. Lãi suất sẽ đi theo định hướng đó nhưng nếu thực sự giảm tiếp lãi suất huy động, sẽ không duy trì thực dương, các ngân hàng cũng sẽ chỉ thua lỗ.
>>>Nếu Fed hạ lãi suất, điều gì xảy ra với thị trường cận biên và mới nổi?
Ở phía gần như ngược lại, hầu hết các định chế và chuyên gia đều kỳ vọng NHNN sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng.
Theo nhận định của Techcombank, năm 2024, mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục ổn định ở vùng thấp trong những tháng đầu năm do thanh khoản hệ thống tiếp tục dư thừa, tín hiệu phục hồi xuất khẩu và sản xuất công nghiệp chưa rõ ràng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, khi tăng trưởng kinh tế phục hồi kéo theo nhu cầu tín dụng cao lên thì lãi suất sẽ tăng lên.
Ông Brian Lee Shun Rong, Chuyên gia kinh tế của Maybank Group, chia sẻ: “Một khi những “cơn gió ngược” đã qua, NHNN sẽ giảm bớt phụ thuộc vào nới lỏng tiền tệ để tránh nợ xấu và đảm bảo sự ổn định vài năm tới của hệ thống ngân hàng.
Theo một chuyên gia, do những kỳ vọng khác nhau trên thị trường, cộng hưởng những yếu tố khó dự báo như căng thẳng leo thang tại Biển Đỏ, các nền kinh tế có khả năng tiếp tục đối mặt với lạm phát và FED hay ECB chậm lại kế hoạch cắt giảm lãi suất… đều sẽ ảnh hưởng chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Do đó, NHNN nên chăng cần có 1 lộ trình với các kịch bản cụ thể hơn đối với lãi suất để tránh những kỳ vọng khác nhau tác động tới xu hướng lãi suất thực trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm