Việc NHNN giảm đồng loạt các loại lãi suất điều hành là cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch. Tuy nhiên, điều này là chưa đủ, mà cần kích cung, kích cầu để “cứu” doanh nghiệp.
NHNN vừa có quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 6,0%/năm xuống còn 5,5%/năm; đồng thời giảm mạnh các mức lãi suất điều hành với mức giảm từ 0,5- 1 điểm phần trăm…
Động thái cần thiết…
Việc giảm 0,5%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên sẽ làm giảm chi phí vốn của doanh nghiệp; trong khi việc NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ TCTD trong trường hợp cần tiếp cận vốn.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, việc cắt giảm lãi suất của NHNN là một động thái chính sách cần thiết, tạo thêm nguồn lực tài chính cho các TCTD, nhất là TCTD lớn để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Được biết, hiện các TCTD đang xây dựng gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5- 1% so với mắt bằng lãi suất cho vay hiện nay. Rõ ràng, việc bơm vốn giá rẻ của NHNN sẽ hỗ trợ đáng kể cho các nhà băng giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. “Khi lãi suất điều hành giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động vay mượn trên hệ thống liên ngân hàng (thị trường 2), giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng, qua đó sẽ góp phần giảm mặt bằng lãi suất cho vay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.
… nhưng chưa đủ
Mặc dù cho rằng việc giảm lãi suất, tăng thanh khoản cho nền kinh tế là cần thiết, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng điều này chưa giải quyết được tận gốc những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp. Bởi khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là sản xuất bị đình trệ do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu khi mà hiện nhiều nhà máy của Trung Quốc vẫn đang đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp lắp ráp điện tử, dệt may và da - giày - túi xách chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2020, nên nguy cơ phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn. Trong khi đó, đầu ra sản phẩm cũng gặp khó do cầu sụt giảm cả ở trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
05:10, 19/03/2020
16:00, 17/03/2020
12:36, 14/03/2020
06:36, 14/03/2020
15:33, 13/03/2020
TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay.
Ở phía cung, Chính phủ cần giữ ổn định nền kinh tế, đồng thời cần nhanh chóng tìm nguồn nguyên phụ liệu thay thế cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Ở phía cầu, cần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đặc biệt là tận dụng triệt để các FTA, như CPTPP và EVFTA. Song song với đó, cần giãn, giảm thuế, phí để nâng cao sức cầu trong nước. Về phía doanh nghiệp cũng cần triển khai mạnh mẽ các chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích cầu. Chỉ có như vậy, gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng mới có “đất dụng võ”.