"Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng dùng những nguyên liệu rẻ tiền để làm sữa. Họ không cần biết rằng, mình đã gây ra một món nợ đối với cuộc đời của những đứa trẻ suy dinh dưỡng...".
Đây là chia sẻ của BS Quan Thế Dân - Phó Giám đốc một bệnh viện tư nhân ở tỉnh Thanh Hóa liên quan tới tình trạng “hỗn loạn” thị trường sữa hiện nay bởi "vàng - thau" lẫn lộn. Vị bác sĩ bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc chấn chỉnh để minh bạch thị trường sữa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa chân chính.
Người tiêu dùng hoang mang
Như chúng tôi đã thông tin trong những bài viết trước, thời gian qua, có nhiều tổ chức cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học... Điều đáng nói là những sản phẩm này đều không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng rất cao.
Thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) đã chủ động xác lập nhiều chuyên án đấu tranh. Vừa qua, cơ quan này đã khởi tố 2 vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm đối với 2 doanh nghiệp sản xuất sữa bột, có trụ sở tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn sản xuất sữa giả của những người liên quan.
Hai doanh nghiệp này tự công bố sản phẩm để sản xuất các loại sữa, nhưng 2 công ty không thực hiện đúng các quy trình sản xuất, nên chất lượng sản phẩm đạt dưới 70% so với công bố. Theo quy định, với kết quả kiểm nghiệm không đạt 70% chất lượng như đã công bố, nghĩa là doanh nghiệp đã sản xuất sữa giả về chất lượng.
Theo lãnh đạo C05 - Bộ Công an cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng những đổi mới trên để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP, đáng chú ý là vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: Sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học...
"Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, giả về chất lượng, công dụng, giá trị sử dụng của sản phẩm; hàng hóa không có các chỉ tiêu chất lượng, định lượng chất chính, công dụng của hàng hóa hoặc chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký...", lãnh đạo cục C05 nói.
Đáng chú ý, một số sản phẩm sữa bột tự công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cơ xương khớp, tăng cường sinh lý cho nam giới nhưng qua đấu tranh phát hiện các đối tượng tự ý thay thế bằng các nguyên liệu giá rẻ, có tác dụng "ngược", hoặc kiểm nghiệm không phát hiện các thành phần như hồ sơ đăng ký công bố/tự công bố.
Hoặc sai lệch về sữa công thức, trong đó "thường có các tuyên bố không có cơ sở khoa học như sữa công thức có thể giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng hoặc trí não" làm ảnh hưởng đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện loạt bài viết này, phóng viên đã tiếp nhận được thông tin phản ánh cùng hình ảnh, video của người tiêu dùng về một thương hiệu được cho là sữa “lạ” với nghi vấn sản phẩm kém chất lượng.
Cụ thể, theo phản ánh của bạn đọc, hồi tháng 11/2024 đã mua lon sữa có tên “JIDISO KID 1” được quảng cáo từ trang web có tên “gafovn.com” để sử dụng. Tuy nhiên, khi mở lon sữa thì phát hiện có một số “dị vật lạ”, khi pha theo hướng dẫn trên vỏ lon cũng không tan trong nước. Theo tìm hiểu, trang web “gafovn.com” thuộc sở hữu của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Gafo có địa chỉ đăng ký tại xóm Mới, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Trong một diễn biến mới mất, thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hải Dương cho biết, đơn vị đã giao các đội nghiệp vụ tiến hành kiểm tra và sẽ thông tin lại kết quả sớm nhất cho báo chí.
Thời gian qua, có không ít trường hợp người tiêu dùng đã phản ánh với báo chí về chất lượng loại sữa không đúng như quảng cáo. Như trường hợp của chị Nguyễn Trang (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) bức xúc khi vừa hoàn trả hộp sữa bột nhãn hiệu "All in sure Canxi" trọng lượng 900g mua trên sàn thương mại điện tử Shopee giá 150.000 đồng. Sữa được giới thiệu là ngừa loãng xương, tiểu đường, cân bằng huyết áp, hỗ trợ tim mạch... của Công ty TM SX CBTP Thành Đạt. Tuy nhiên, chị Trang đã sốc nặng khi nhận hộp sữa có dòng chữ in trên bao bì mờ nhạt, hạn sử dụng không được dập nổi dưới đáy lon; tên nhà sản xuất lại là Công ty TNHH Ánh Dương Baby Nutrition. Điều đáng nói là tại một số trang mạng khác, cùng loại sữa này lại có giá khác, 110.000 đồng/lon hoặc 90.000 đồng/lon...
Trường hợp chị Trần Thu Hằng (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) cũng oái oăm không kém khi đã uống hết 1 thùng sữa hạt của "Endsure Diamond organic, Linh Sơn Group 900g" được giới thiệu là sữa của hãng Abbott (nhưng trên vỏ lon không có chữ Abbott) với giá 180.000 đồng/lon. Dù đã được cảnh báo sữa chính hãng Abbott không có giá rẻ như vậy nhưng chị Hằng vẫn có niềm tin đây là sản phẩm mới hãng chưa xuất ra thị trường, chỉ người trong hãng mới được mua. Tuy nhiên, khi hỏi mua ở kênh phân phối nào thì chị Hằng nói là mua trên… TikTok?!
Đáng nói, không chỉ thiệt hại về quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng cũng bị đe dọa nếu sử dụng các sản phẩm sữa bột kém chất lượng. Bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, với đặc điểm của một loại thực phẩm đặc biệt, việc sử dụng các loại sữa bột kém chất lượng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, người có bệnh nền, những người có sức đề kháng thấp.
Trước hết, với nguyên liệu và quy trình sản xuất không đảm bảo, các sản phẩm sữa bột kém chất lượng sẽ có nguy cơ cao bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập; trực tiếp đe dọa sức khỏe của người dùng. Việc sử dụng sữa bột kém chất lượng, tùy vào trường hợp cụ thể có thể khiến người uống nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, nặng hơn là tiêu chảy, ngộ độc, thậm chí gây liệt cơ, ảnh hưởng hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng, nhất là các em nhỏ cơ thể còn non yếu và sức để kháng kém. Với trẻ sơ sinh, việc sử dụng sữa bột kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch; lâu dài còn dẫn đến suy gan, suy thận, suy hô hấp...
Trên thực tế đã có không ít trường hợp đã phải chịu những hệ luỵ nghiêm trọng từ các sản phẩm này. Thậm chí nhiều trẻ đã bị suy dinh dưỡng nặng khi sử dụng sữa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Như chia sẻ của BS Quan Thế Dân, ông thực sự bức xúc khi gặp một bệnh nhi 4 tháng tuổi mà nặng chưa đến 5kg, một trường hợp 1 tuổi cũng nặng chưa đến 7kg do người mẹ không có sữa nên mua sữa giá rẻ về cho con uống. BS Quan Thế Dân cho biết, xem hộp sữa thì thấy nhãn hiệu lạ, sản xuất ở Quốc Oai, vỏ hộp in rất đẹp, với chi chít thành phần dinh dưỡng và “nguyên liệu New Zealand”.
Hỏi mẹ cháu bé thì biết sữa mua chịu ở quán gần nhà, giá 560.000 đ/hộp 900 gr. Đây chính là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng cho trẻ.
“Tôi rất giận những kẻ vô lương tâm sản xuất và bán các loại sữa kém chất lượng. Họ in lon và bao bì rất đẹp, nhái mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng. Vỏ hộp cũng in rất chi tiết thành phần dinh dưỡng, nhưng sữa bên trong có đúng với thành phần như vậy không thì chỉ có lương tâm của họ mới biết. Ở góc độ bác sĩ thì tôi xin nói thẳng đó là sữa rởm.
Nếu không có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân khó có thể kết luận những loại sữa lạ trên thị trường là sữa giả hoặc kém chất lượng. Có khi dẫn đến những tranh luận kiện tụng không hồi kết, có thể còn bị quy cho là không ủng hộ sản xuất trong nước”, BS Quan Thế Dân chia sẻ.