Thị trường sữa hiện đang “hỗn loạn” với hàng trăm nhãn hiệu, chủng loại khiến người tiêu dùng phải “hoa mắt, chóng mặt” khi lựa chọn bởi “vàng – thau” lẫn lộn…
Một số liệu thống kê cho thấy, trên thị trường sữa ở Việt Nam hiện đang có khoảng 500 loại sữa với nhiều thương hiệu, chủng loại. Sữa bột được sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng từ người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh hay các em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, do sản phẩm có chiết khấu cao nên các loại sữa bột kém chất lượng được các đối tượng đẩy mạnh tiêu thụ, nhất là trên các trang mạng xã hội. Nhờ quảng cáo rầm rộ là được sản xuất từ các nhà máy lớn theo tiêu chuẩn quốc tế giúp sản phẩm trở nên đắt hàng. Đáng nói, vì lợi nhuận lớn mà không ít đơn vị vẫn bất chấp để sản xuất và sử dụng nhiều chiêu trò để bán hàng.
Thực tế, thời gian qua, có không ít trường hợp người tiêu dùng phản ánh chất lượng loại sữa không đúng như quảng cáo. Trong quá trình sử dụng, sữa bị vón cục, có vật thể lạ và chất lượng sữa không đồng đều. Công thức sản xuất sữa bột giả gồm đường lạt, đường ngọt, bột sữa, chất tạo béo và thêm chút hương liệu, tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi cho máy trộn đều, các nhân công đóng vào lon, dán nhãn hiệu do chủ đặt in. Tất cả các loại sữa bột dành cho mọi đối tượng từ trẻ em, bà bầu đến người già đều chỉ áp dụng một công thức, thành phần chất bổ ghi trên nhãn đều được sao chép từ các hộp sữa ngoại.
Một vụ việc điển hình về sản xuất sữa kém chất lượng là cuối năm 2022, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty Cổ phần sữa Hà Lan (có trụ sở tại 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo kết quả giám định, kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia thực hiện, 65/67 lô hàng hóa của công ty này chỉ đạt chỉ tiêu dưới 70% so với công bố ghi trên nhãn hộp, tương đương với số lượng 29.400 hộp sữa đã vi phạm tiêu chuẩn công bố.
Đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến hành vi sản xuất sữa kém chất lượng, không bảo đảm các thông số đã công bố. Trước đó, lực lượng chức năng TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện một cơ sở sản xuất sữa với "3 không": không bảo hộ lao động, không dây chuyền hiện đại, không đảm bảo vô trùng. Tại cơ sở sản xuất này, hàng nghìn vỏ hộp sữa các nhãn hiệu nổi tiếng như: Alan Milk, Minolac, Mayolac, Monte… đang được xếp chồng lên nhau, chờ đơn đặt hàng là cho vào xưởng đóng hộp. Trung bình mỗi tháng, cơ sở này đã gia công và đưa ra thị trường hàng trăm nghìn hộp sữa các loại.
Đáng chú ý, quá trình thực hiện loạt bài viết này, phóng viên đã tiếp nhận được thông tin phản ánh cùng hình ảnh, video của người tiêu dùng về một thương hiệu sữa “lạ” với nghi vấn sản phẩm kém chất lượng.
Cụ thể, theo phản ánh của bạn đọc, hồi tháng 11/2024 đã mua 2 lon sữa có tên “JIDISO KID 1” được quảng cáo từ trang web có tên “gafovn.com” để sử dụng. Tuy nhiên, khi mở lon sữa thì phát hiện có một số “dị vật lạ”, khi pha theo hướng dẫn trên vỏ lon cũng không tan trong nước.
Theo tìm hiểu, trang web “gafovn.com” thuộc sở hữu của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Gafo có địa chỉ đăng ký tại xóm Mới, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Truy cập vào trang web này, phóng viên nhận thấy doanh nghiệp đang quảng cáo một số sản phẩm như sữa công thức cho trẻ em; sữa bột organic; sữa thực vật,..
Các công dụng của mỗi loại sữa cũng được doanh nghiệp giới thiệu khá chi tiết. Điển hình như sữa Growtin Plus có công dụng: “Hỗ trợ bé phát triển toàn diện; Hỗ trợ tiêu hoá khoẻ mạnh; Đột phá chiều cao; Tăng cường miền dịch”. Hay như sữa JIDISO KID 1 (bị bạn đọc phản ánh - PV) dùng cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi với công dụng: “Bổ sung dưỡng chất giai đoạn đầu đời; Tăng cường sức đề kháng tiêu hoá tốt; Hỗ trợ phát triển thần kinh vị giác; Phát triển xương cứng chắc”. Hay như sản phẩm sữa bột Growtin Plus Organic được quảng cáo là “dinh dưỡng vượt trội cho trẻ từ 1-16 tuổi; 100% NATURAL”.
Ngày 11/12/2024, trao đổi với phóng viên về thông tin sữa bị phản ánh có “dị vật lạ”, bà Phạm Thị Hoa – đại diện Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Gafo cho biết doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất.
“Cơ quan chức năng cũng mới kiểm tra, chúng tôi khẳng định là đang sản xuất rất đảm bảo, đúng quy trình. Cũng qua thông tin, hình ảnh và video nhà báo cung cấp, chúng tôi sẽ kiểm tra lại từ khâu lưu kho đến quá trình vận chuyển để khắc phục (nếu phát hiện ra lỗi ở khâu nào). Vì chất lượng sữa có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết, quá trình vận chuyển, cũng có thể do khách hàng mở lon sữa ra để lâu không dùng nên dẫn tới tình trạng như phản ánh”, bà Hoa chia sẻ.
Khi phóng viên hỏi về nội dung quảng cáo sản phẩm sữa organic (hay còn là sữa hữu cơ – PV), sản phẩm này đã được cơ quan chức năng chứng nhận là sản phẩm organic hay không? bà Hoa cho biết công ty chỉ mới sản xuất một lô hàng (1000 hộp - PV), còn hiện nay gần như không sản xuất nữa bởi nguyên liệu nhập rất khó khăn.
“Nguyên liệu để sản xuất sữa organic được kiểm soát rất chặt chẽ từ hồ sơ khi nhập khẩu nên hiện nay, chúng tôi đang hướng đến sản xuất các sản phẩm có thể dùng nguyên liệu có sẵn từ địa phương”, bà Hoa cho biết thêm.
Cũng trong ngày 11/12/2024, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương cho biết, cơ sở gia công sữa cho Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Gafo có địa chỉ tại cụm công nghiệp Ba Hàng, phường Nam Đồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Công ty không đăng ký quảng cáo sản phẩm. Đối với nội dung phản ánh từ bạn đọc, ông Trần Đình Nam – Chi cục trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin, đơn vị đã lên kế hoạch để làm việc với doanh nghiệp.
“Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Gafo cũng đang trong quá trình hậu kiểm, chúng tôi đã lấy mẫu để kiểm nghiệm. Khi nào có đầy đủ kết quả, chúng tôi sẽ thông tin lại cho báo chí đúng quy định”, ông Nam nói.
Đối với sản phẩm sữa “JIDISO KID 1” theo như bạn đọc phản ánh, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương cung cấp cho phóng viên Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 66/2024/ĐKSP ngày 24/4/2024. Cơ quan này xác nhận “Sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung JIDISO KID 1 (dành cho trẻ từ 6-36 tháng tuối”. Do công ty cổ phần công nghệ dinh dưỡng HOHA sản xuất, phù hợp với: QCVN 11-3:2012/BYT và tiêu chuẩn nhà sản xuất số: 15/2024/TCSP JIDISOKID1. “Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng GAFO phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình phù hợp của sản phẩm đã công bố”, nội dung giấy tiếp nhận nêu.
Cũng liên quan đến sự việc này, phóng viên đã phản ánh, đồng thời nhiều lần liên hệ trực tiếp với ông Trần Văn Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương để xin lịch làm việc. Tuy nhiên, vị này không phản hồi!
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc trong những bài tiếp theo!