Đánh vào nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều loại “sữa cỏ” không có thương hiệu, tiếng tăm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, len lỏi khắp “hang cùng ngõ hẻm”…
Chỉ cần gõ cụm từ “sữa công thức cho bé” trên google, chỉ trong vòng 0,29 giây đã hiện thị tới 40.900 kết quả tìm kiếm giới thiệu, quảng cáo đủ các thương hiệu sữa dành cho trẻ em với “ma trận giá” từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng. Đa phần các sản phẩm với nhãn dán được thiết kế bắt mắt đủ sắc màu. Đáng chú ý, công dụng của các sản phẩm sữa cũng được các nhãn hàng quảng cáo rất “chu đáo” như: Miễn dịch khoẻ - bé tăng cân, ngủ ngon mau lớn, tăng cường trí tuệ, phát triển chiều cao…
Tương tự, cũng chỉ cần gõ cụm từ này trên mạng xã hội Facebook sẽ lập tức hiện thị “chi chít” các nhãn hàng cùng những lời quảng cáo có cánh như “ma trận” hỗn loạn “bủa vây” người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng hiển thị hàng loạt group (nhóm) “hội review sữa công thức” với hàng chục đến hàng trăm nghìn thành viên. Đáng chú ý, tại đây cũng hiện thị các nhóm “Hội anti sữa cỏ - check sữa cỏ” với hàng chục nghìn thành viên tham gia. “Kích” vào các nhóm này là những bài đăng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng của nhiều nhãn hiệu sữa “lạ” đang xuất hiện trên thị trường.
Thực tế, phóng viên cũng choáng váng với rất nhiều loại sữa với tên gọi, công dụng khác nhau, chưa từng được nghe đến thương hiệu tại Việt Nam. Nhiều tài khoản truyền nhau kinh nghiệm mua sữa chính hãng tại các cửa hàng, siêu thị dành cho mẹ và bé, tránh các loại sữa quảng cáo “sản xuất theo công nghệ, tiêu chuẩn châu Âu”, “nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu”, “dây chuyền Nhật Bản”...
Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, “sữa cỏ” không phải là một tên gọi mang tính phân loại khoa học và cũng không có trong từ điển tiếng Việt. Đây là một “thuật ngữ” được khai sinh bởi chính đội ngũ bán hàng, ý nói tới các sản phẩm sữa không có hoặc có rất ít tính thương hiệu trên thị trường. Nguyên liệu tạo nên “sữa cỏ” được nhập từ nước ngoài, sau đó đơn vị nhập về sẽ tự gia công, đóng hộp.
Cũng theo vị này, điều quan ngại là trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện tràn lan quảng cáo nhiều loại thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như: sữa tăng chiều cao, sữa tăng cân, thậm chí nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo có công dụng chữa bệnh như “thần dược”. Đặc biệt, trong nhiều nội dung quảng cáo, các sản phẩm này còn sử dụng hình ảnh các bác sĩ, dược sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để “giới thiệu”, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” khi tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm.
Đáng chú ý, thị trường sữa không chỉ “hỗn loạn” trên mạng xã hội và các nền tảng thương mại điện tử, “sữa cỏ” còn len lỏi về các vùng quê nghèo, đánh vào nhu cầu sử dụng sữa giá rẻ và lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng. Không ít trường hợp, thậm chí có trẻ em đã bị suy dinh dưỡng nặng khi sử dụng sữa rẻ tiền, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, những người sản xuất, kinh doanh “sữa cỏ” vẫn bất chấp, sẵn sàng đóng hộp những loại sữa bột thô, kém chất lượng để bán cho trẻ uống.
Gần đây, BS Quan Thế Dân – Phó Giám đốc một bệnh viện tư nhân ở tỉnh Thanh Hóa đã phải lên tiếng bày tỏ nỗi bức xúc khi gặp một bệnh nhi 4 tháng tuổi mà nặng chưa đến 5kg, một trường hợp 1 tuổi cũng nặng chưa đến 7kg do người mẹ không có sữa nên mua sữa giá rẻ về cho con uống. BS Quan Thế Dân cho biết, xem hộp sữa thì thấy nhãn hiệu lạ, sản xuất ở Quốc Oai, vỏ hộp in rất đẹp, với chi chít thành phần dinh dưỡng và “nguyên liệu New Zealand”.
“Hỏi mẹ cháu bé thì biết sữa mua chịu ở quán gần nhà, giá 560.000 đ/hộp 900 gr. Đây chính là nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng cho trẻ”, BS Quang Thế Dân chia sẻ.
Liên quan tới tình trạng “nhộm nhoạm” của thị trường sữa hiện nay, số liệu báo cáo từ Bộ Công an về đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cho thấy, dù cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ việc nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn gia tăng.
Cụ thể, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, khởi tố 17 vụ, chuyển khởi tố 2 vụ, tổng số 27 bị can.
Trong công tác xử lý hành chính, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 5.968 vụ (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023), với 5.988 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố 19 vụ, 27 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 5.586 vụ.
Điển hình, ngày 13/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã ra khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Trước đó, vào cuối năm 2022, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty CP sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.
Còn theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (C03), trong năm 2023, đã có 325 vụ vi phạm liên quan đến việc sản xuất và buôn bán sữa giả bị phát hiện và xử lý trên cả nước. Những vụ việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và đặt ra nhiều thách thức về an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc chọn sữa không chỉ dừng lại ở yếu tố giá cả, mà còn liên quan đến niềm tin vào chất lượng sản phẩm. Do đó, để đảm bảo được tính chính xác của sản phẩm (không phải chỉ là quảng cáo nhằm đánh lừa người tiêu dùng), cơ quan chức năng cần tiếp tục có những kiểm tra rà soát hậu kiểm, xử lý nghiêm khắc với những trường hợp công bố không đúng sự thật về chất lượng sản phẩm, thậm chí chỉ là những thử nghiệm qua loa rồi sản xuất hàng loạt bán cho người tiêu dùng.