Đó là 1 trong nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vừa được HĐND tỉnh này thông qua.
Hiện nay, Hưng Yên có khoảng 54 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất canh tác, diện tích mặt nước nuôi thủy sản có trên 5.000ha. Toàn tỉnh có khoảng 200 dự án của doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tập trung vào: miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; hỗ trợ doanh nghiệp về quỹ đất; hỗ trợ tín dụng…Đây là những chính sách đặc thù, bổ sung cho một số chính sách đã được Hưng Yên ban hành trước đó để tiếp tục khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đó, Hưng Yên sẽ dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách hàng năm cho ngành nông nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng với mức 50 triệu đồng/ha, hạn mức không quá 10 tỉ đồng/dự án đối với doanh nghiệp có dự án nông nghiệp. Tỉnh cũng khuyến khích đầu tư bằng hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để hình thành vùng nguyên liệu.
Trong chu kỳ thuê đất của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh sẽ không điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm ảnh hưởng đến dự án. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất vay thương mại với mức hỗ trợ tối đa không quá 1%/năm trong 5 năm sau khi hoàn thành dự án. Tổng số tiền hỗ trợ tối đa không quá 350 triệu đồng/dự án.
Hưng Yên ưu tiên hỗ trợ các dự án chế biến nông sản sử dụng vùng nguyên liệu tại tỉnh và sử dụng trên 100 lao động; dự án cơ khí, thiết bị, sản phẩm phụ trợ ngành nông nghiệp; dự án có quy trình sản xuất thân thiện môi trường; dự án liên kết sản xuất tạo ra chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm
13:35, 06/05/2019
09:51, 28/06/2019
21:08, 01/06/2019
Hiện tỉnh này đã ban hành danh mục khuyến khích kêu gọi đầu tư đến năm 2025 với 35 dự án, bao gồm: giết mổ tập trung, chăn nuôi công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản. Trong đó, có 5 dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với dự kiến tổng mức đầu tư từ 7-8 tỉ đồng/dự án và dự kiến mức hỗ trợ tối đa mỗi dự án lên đến 4,8 tỉ đồng. 5 dự án trang trại chăn nuôi bò công nghiệp có tổng mức đầu tư dự kiến 35 tỉ đồng/dự án và mức hỗ trợ tối đa 11 tỉ đồng/dự án. 4 dự án trồng vải trứng, cam, bưởi hữu cơ từ 5ha trở lên có dự kiến tổng mức đầu tư 20 tỉ đồng/dự án và mức hỗ trợ tối đa lên đến 2,5 tỉ đồng/dự án. 11 dự án nhà máy chế biến, bảo quản nông sản, dự kiến mức hỗ trợ vốn tối đa từ 2 - 11 tỷ đồng/dự án. 10 dự án trồng hoa, cây cảnh có quy mô 5ha trở lên, dự kiến mức hỗ trợ tối đa mỗi dự án lên đến 2,2 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực, phát triển thị trường; đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, chăn nuôi bò sữa, bò thịt; hỗ trợ giá đối với công trình cấp nước sạch nông thôn…