Để tạo điều kiện cho doanh nhân thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, theo chuyên gia, Nhà nước cần có nhiều chính sách, pháp luật phù hợp hơn nữa đối với doanh nhân…
>> Phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới
Theo đó, trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp được đề cập rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và ngày càng được các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam tiếp thu, thực hiện.
Trách nhiệm xã hội của doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ giới hạn với người lao động và cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động, tuân thủ, làm đúng pháp luật, mà còn là trách nhiệm mang tính tự nguyện đối với người lao động và người nhà của họ, trách nhiệm đối với môi trường và trách nhiệm phát triển xã hội.
Thông thường, các doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội dưới các hình thức: tạo các phúc lợi, chăm lo cho người lao động và người nhà của họ, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động từ thiện, các hoạt động xã hội. Thực thi trách nhiệm xã hội ở mỗi doanh nghiệp khác nhau sẽ có những phương thức, định hướng phát triển khác nhau…
Doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ góp phần vào tăng phúc lợi xã hội, đảm bảo sự tồn tại và ngày phát triển của doanh nghiệp và đất nước.
Thực tế cho thấy, không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho cho người lao động, không ít doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã có những hành động thiết thực trong thực hiện trách nhiệm xã hội. Điển hình như Công ty Cổ phần Sữa Vinamilk Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc thực hiện tốt các tiêu chí đầu tư môi trường - xã hội - quản trị (ESG) về đạo đức trong trách nhiệm đối với xã hội; Tập đoàn FPT đã phát triển cùng chiến lược 3P (Profit, People, Planet). Theo đó, bên cạnh việc tạo ra lợi nhuận, Công ty còn quan tâm đến các hoạt động thực tế như: Nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện môi trường làm việc và tham gia các hoạt động từ thiện, hiến máu nhân đạo;
>>Đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm thực hiện tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW
Tập đoàn VinGroup đã thành lập Quỹ Thiện tâm và Quỹ Đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ cho các hoạt động từ thiện vì cộng đồng, tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, với nhiều đóng góp quan trọng không chỉ cho dân chúng, lực lượng tuyến đầu chống dịch mà cả cho các đối tác kinh doanh;…
Bên cạnh những dấu ấn tích cực, việc thiếu nguồn lực và cam kết thực hiện trách nhiệm xã hội cũng dẫn đến việc không ít doanh nhân, doanh nghiệp xem nhẹ thực hiện trách nhiệm xã hội, khi lấy lợi ích kinh tế làm tối thượng, chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá, thu lợi bất chính cho mình, đồng thời bắt xã hội phải gánh chịu những thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe gấp nhiều lần so với mối lợi ngắn hạn mà doanh nghiệp thu được.
Trước hiện trạng đã nêu, để hiện thực hóa khát vọng doanh nhân trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/CP, điều quan trọng là cần thay đổi thái độ của doanh nhân, doanh nghiệp từ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một chi phí” thành “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như một khoản đầu tư”.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Thùy Linh - Vụ Tổng hợp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho rằng, trách nhiệm xã hội là khái niệm còn khá mới mẻ đối với doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, do đó, để nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân cần sự phối hợp nhịp nhàng từ chính sánh của Nhà nước cho đến nhận thức của doanh nhân.
Theo TS. Nguyễn Thùy Linh, Nhà nước cần xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh để các doanh nhân, doanh nghiệp có định hướng thực thi. Trong giai đoạn hội nhập hiện nay, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều các hiệp định thương mại và trong đó có nhiều cam kết liên quan đến chất lượng môi trường làm việc, đảm bảo các vấn đề môi trường,… Nhà nước cần tạo điều kiện, các môi trường kinh doanh thuận lợi, ban hành chính sách pháp luật thống nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững, ổn định từ đó có thêm thời gian, nguồn lực thực thi trách nhiệm xã hội.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức doanh nhân về lợi ích của việc thực thi trách nhiệm xã hội. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng nhiều cơ quan, ban ngành tổ chức “Giải thưởng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” và “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Các hoạt động này đã có những tác động tích cực đến nhận thức của doanh nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi trách nhiệm xã hội. Tuyên truyền đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp về việc nâng cao thực thi trách nhiệm xã hội bên cạnh việc có một hệ thống đánh giá chất lượng của việc thực thi từ đó có cơ sở tuyên dương, khen thưởng.
Bên cạnh đó, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể thực hiện các hội thảo, hội nghị, các cuộc đối thoại với người lao động nhằm đánh giá lại tình hình thực hiện, chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi trách nhiệm xã hội.
Cũng theo TS. Nguyễn Thùy Linh, doanh nhân cần tạo ra một bộ phận nhân sự chuyên trách để thực thi trách nhiệm xã hội. Bộ phận chuyên trách trong doanh nghiệp về thực thi trách nhiệm xã hội sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, thu thập thông tin về các vấn đề bên trong doanh nghiệp, họ là những người tiếp xúc trực tiếp với người lao động để nghe những mong muốn về việc cải thiện môi trường lao động. Việc tiếp thu những đóng góp trực tiếp sẽ giúp việc thực thi hiệu quả và thực tế, tránh thực thi hình thức và không tác động được đến mong muốn của người lao động.
“Trách nhiệm xã hội trong bối cảnh hiện nay không chỉ dừng lại ở trách nhiệm pháp lý bắt buộc đối với doanh nhân, doanh nghiệp mà ngày càng mang tính tự nguyện, đóng góp. Thực thi trách nhiệm xã hội ngày càng là xu hướng hội nhập, thể hiện vai trò của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong quá trình phát triển đất nước”, TS. Nguyễn Thùy Linh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần đồng bộ… giải pháp
20:49, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần có giải pháp bồi dưỡng đạo đức phù hợp
20:41, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc
20:33, 04/02/2024
(Bài tết) Khát vọng doanh nhân “mới”: Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế
20:26, 04/02/2024
Doanh nhân là lực lượng nòng cốt phát triển kinh tế Nam Định
20:26, 03/02/2024