Sau khi có Nghị quyết số 41-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tỉnh Nam Định đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể hóa.
>>>Nam Định: Giao thông mở đường phát triển kinh tế
>>>Thêm doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Nam Định
Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định về nội dung này.
- Thưa ông, Bộ Chính trị vừa có Nghị quyết số 41-NQ/TW về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, vậy xin được hỏi, Nam Định đã có những chiến lược gì để hỗ trợ cho các doanh nhân, doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết này, thưa ông?
Ngay khi Nghị quyết số 41-NQ/TW được ban hành, tỉnh uỷ Nam Định đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết.
Ngày 01/12/2023, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã ban Chương trình hành động số 37-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó xác định phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; có tầm nhìn, trí tuệ, năng động, sáng tạo, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, có năng lực quản trị tiên tiến, đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển đội ngũ doanh nhân có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó tỉnh cũng phấn đấu hình thành một số doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Đến năm 2045 phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh có năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.
Để hiện thực hoá các mục tiêu, tầm nhìn trên, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Thường xuyên rà soát, cụ thể hóa và triển khai kịp thời các chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân xây dựng bảo vệ thương hiệu sản phẩm hàng hoá gắn với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội.
- Năm 2023, GRDP của Nam Định lập kỷ lục khỉ tăng trưởng 2 con số. Vậy 2024, tỉnh sẽ có chiến lược gì để duy trì và phát huy thành tích này, thưa ông?
Trong năm 2024, tỉnh Nam Định tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế như: Tổ chức công bố và triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các quy hoạch vùng, quy hoạch liên vùng, quy hoạch đô thị các thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,...; Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án, công trình giao thông trọng điểm; Chủ động thu hút các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của vùng ven biển, các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp ven biển theo quy hoạch; Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Khai thác tiềm năng, lợi thế về chất lượng giáo dục THPT luôn trong tốp dẫn đầu toàn quốc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Nghiên cứu, xây dựng chính sách, kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhất là các nghề về kỹ thuật cao, điện tử,... Mở rộng các hình thức giáo dục nghề nghiệp, tăng cường xã hội hóa hoạt động đào tạo, dạy nghề; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, dự báo thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động; Triển khai toàn diện các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tiếp tục phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm chủ lực của vùng miền. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ công nghệ trong các hoạt động kinh tế biển; Chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch tắm biển.
Ngoài ra, tỉnh vẫn tiếp tục chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với với đảm bảo quốc phòng, an ninh; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm,... đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên vùng biển và ven biển của tỉnh.
- Dường như hướng phát triển kinh tế hướng ra biển đang là mục tiêu được Nam Định nhắm đến khikinh tế vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển của tỉnh, hệ thống cảng biển nước sâu đang được phát triển, thưa ông?
Ngày 18/6/2021, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển kinh tế vùng ven biển giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo với mục tiêu “Xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững”; ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 16/7/2021 của UBND tỉnh về xây dựng, phát triển kinh tế vùng ven biển giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Đến nay, đã bổ sung quy hoạch 01 bến cảng hàng lỏng tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 theo Văn bản chấp thuận số 1635/BGTVT-KHĐT ngày 21/02/2023 của Bộ Giao thông Vận tải. Hiện nay đang đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với quy mô đến năm 2030 đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn; kết cấu bến cảng thiết kế tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 300.000 DWT, quy mô luồng cho tàu 100.000 - 200.000 DWT.
- Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại – dịch vụ mà Du lịch cũng là mũi nhọn được Nam Định hướng tới, đặc biệt là du lịch văn hóa tâm linh, thưa ông?
Không chỉ đa dạng về di sản văn hóa vật thể, số lượng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng rất phong phú bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội truyền thống, văn hoá ẩm thực và trò chơi dân gian…Các làng nghề truyền thống với các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa là tiềm năng du lịch vô cùng hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của các địa phương. Trong tổng lượng khách đến Nam Định, khách du lịch văn hóa tâm linh chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng trên 60% và chủ yếu là khách du lịch nội địa.
Trong thời gian tới, thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch, Nam Định sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng, Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của UBND Tỉnh về di sản văn hoá tới các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh nhằm nâng cao ý thức của toàn xã hội, của các ngành các cấp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa nói chung và bảo tồn di tích nói riêng; Nam Định vẫn xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá và các di sản văn hoá phi vật thể đã được ghi danh; Huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hoá có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hoá trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước.
Nam Định quyết tâm đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành, liên cơ quan để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển và cần có sự thống nhất quản lý Nhà nước, những qui định, qui trình và nội dung, hướng dẫn tham quan, nghiên cứu tại các di tích cũng như việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo các di tích, cảnh quan môi trường.
- Vâng, trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm