Không nên bó hẹp khái niệm người tiêu dùng

Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT 26/05/2023 04:00

Tôi ủng hộ việc mở rộng khái niệm người tiêu dùng, không bó hẹp và máy móc hiểu người tiêu dùng chỉ là một cá thể, người cụ thể mà còn là một tổ chức.

>>Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) chia sẻ với DĐDN về khái niệm người tiêu dùng còn có nhiều ý kiến khác nhau trong Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Việt

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Việt

- Hiện đang có hai loại ý kiến về khái niệm người tiêu dùng. Thứ nhất, bao gồm cả tổ chức. Thứ hai, không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Khái niệm “người” trong người tiêu dùng chúng ta đang hiểu đơn giản là chỉ con người, một người nào đó dùng cái gì, ăn cái gì, nhưng đây là khái niệm. Còn khi luật pháp hoá để trở thành một khái niệm có ý nghĩa pháp lý thì phải hiểu bản chất của nó. Cho nên, tôi ủng hộ việc mở rộng khái niệm người tiêu dùng, không bó hẹp và máy móc hiểu người tiêu dùng chỉ là một cá thể, người cụ thể mà còn là một tổ chức.

Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, chữ “người” ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng hơn thì mới toàn diện. Vì quy trình làm luật rất công phu, từ việc chuẩn bị cho đến khi thông qua và đi vào cuộc sống là cả một quá trình.

Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không xác định thấu đáo thì mỗi lần sửa và điều chỉnh luật sẽ rất mất thời gian. Đặc biệt, sự tác động đến xã hội sẽ bị hạn chế, vì luật thường không điều chỉnh được một cách rộng rãi các đối tượng trong xã hội mà đang bị chịu tác động xấu của quá trình thực hiện tiêu dùng ngoài xã hội.

- Lý giải việc không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước rất ít. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Nếu chúng ta dùng một thực tiễn ngắn hạn và không toàn diện để nói cho một vấn toàn diện hơn là đã có sự mâu thuẫn. Tôi cho rằng việc đánh giá đó không toàn diện, và khi sử dụng các thông tin đó thì chỉ giải quyết được một khía cạnh.

Ở Việt Nam khi điều tra, đánh giá thường ít quan tâm đến các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, mà chủ yếu tập trung vào khu vực nhà nước có tham gia vào tiêu dùng.

Như vậy, tỉ lệ các con số điều tra chưa hẳn đã được phản ánh một cách khách quan. Vì có những tổ chức đi điều tra bị “vấp” nhưng không nói ra, vì lỗi đó là do sơ hở của người lãnh đạo hoặc một nhóm người có lợi ích riêng.

Cho nên, một sự “vênh” nào đó chúng ta nghĩ rằng đó là một tác động tiêu cực, nhưng có khi họ lại tận dụng việc đó để tiếp tục tiêu cực. Như vậy, những con số điều tra đó theo tôi không hoàn toàn chính xác.

>>Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

>>Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

- Vậy, ông có góp ý, đề xuất gì trong Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này?

Việc nhận xét các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước rất ít là phiến diện, chưa đầy đủ và không có căn cứ mặc dù đã điều tra. Vì thời gian điều tra thường ngắn, trong khi các diễn biến xã hội luôn diễn ra rất nhanh, thậm chí bất ngờ.

Tôi cho rằng, làm luật phải có tính dự báo và đón đầu để điều chỉnh hành vi của các khía cạnh khác nhau, các đối tượng khác nhau ngoài xã hội, chúng ta không thể làm luật theo kiểu “tình thế”, thấy đối tượng nào bị tác động thì điều chỉnh đối tượng đó. Sau này nếu “không may” nảy sinh ra các vấn đề khác thì lại ngồi bàn để mở rộng hoặc điều chỉnh hay sao?

Tôi cũng ủng hộ quan điểm phải đưa “tổ chức” vào Luật này để bảo vệ một cách toàn diện hơn các đối tượng trong hoạt động tiêu dùng ngoài xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội Trương Quốc Huy: Cần ủy quyền “mạnh hơn” cho địa phương

    11:56, 25/05/2023

  • Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

    00:20, 25/05/2023

  • Chiều 24/5, Quốc hội họp về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%

    00:06, 24/05/2023

  • Quốc hội thảo luận dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

    01:39, 23/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Không nên bó hẹp khái niệm người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO