Tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, đưa KT - XH Lâm Đồng phát triển bền vững.
Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Phát biểu tại chương trình gặp mặt và tôn vinh doanh nhân tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã khẳng định: Trong những năm vừa qua, đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình. Với trên 13.000 doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng trong thời gian qua và trong 9 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận: Tổng sản phẩm GRDP tăng 6,87% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 673 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt 9.332 tỷ đồng; thu hút trên 6,5 triệu lượt khách; doanh thu hoạt động vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt trên 4.500 tỷ đồng; có 997 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 7.400 tỷ đồng…
Theo ông Trần Văn Hiệp, cộng đồng các doanh nghiệp đã góp phần tạo nên sự đồng thuận, niềm tin của xã hội vào sự sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các doanh nghiệp đã đi đầu trong việc ứng dụng các mô hình quản lý, sản xuất hiện đại; tạo ra của cải vật chất và thúc đẩy sự năng động cho xã hội; đi đầu trong việc cải tiến phương tiện sản xuất, nâng cao năng suất lao động, giải quyết việc làm, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, song hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai các biện pháp thích ứng, phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chương trình, chính sách tín dụng gắn với phục hồi phát triển sau đại dịch, các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới dây chuyền công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường kết nối doanh nghiệp, nhất là áp dụng các mô hình quản lý, sản xuất hiện đại… Các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, thực hiện các chương trình an sinh xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Theo đánh giá của tỉnh Lâm Đồng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chịu tác động kép từ yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế. Cụ thể như: Thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, chi phí đầu vào tăng, lãi suất cho vay có thời điểm tăng cao, khó tiếp cận vốn… Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian qua Lâm Đồng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cắt giảm những thủ tục hành chính, điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Định kỳ hàng tháng, Lãnh đạo UBND Tỉnh Lâm Đồng sẽ chủ trì tiếp và làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Đây là chương trình hành động của tỉnh Lâm Đồng phát triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/6/2023 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Đặc biệt, Lâm Đồng đã hành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ tiếp nhận, tổng hợp những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn và trực tiếp giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, tổ chức các buổi làm việc, các chương trình đối thoại theo địa bàn, chuyên đề, lĩnh vực với các hiệp hội, hội, chi hội, các doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc, hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển.
Theo ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Du lịch Lâm Đồng, qua ghi nhận, tiếp theo thu ý kiến đánh giá doanh nghiệp cho thấy, phần lớn các nội dung được đánh giá cực tích, như: Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, khi doanh nghiệp đến liên hệ công việc được hướng dẫn tận tình...
Để tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, Lâm Đồng tiếp tục rà soát, đánh giá lại hiệu quả của các cơ chế, chính sách địa phương đã ban hành để kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với các quy định mới và thực tế hiện nay, đặc biệt là các chính sách trong lĩnh vực ưu đãi, thu hút đầu tư, đất đai, môi trường... tạo lợi thế so sánh cho tỉnh Lâm Đồng, góp phần nâng cao chỉ số PCI, chỉ số PAPI, chỉ số Par Index của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm