Ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, đang dần lộ diện với những lỗ hổng lớn về sự yếu kém trong công tác quản lý lẫn năng lực nhà đầu tư khiến nhiều dự án bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch đề ra.
Nhiều nhà đầu tư yếu kém về năng lực tài chính, không có chuyên môn nhưng vẫn lao vào đầu tư, thậm chí tranh giành bằng được những dự án có quy mô lớn để thực hiện mục đích cuối cùng là “sang tay… kiếm lời”, khiến nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.
Đơn cử, trong một vài năm trở lại đây, tỉnh Bến Tre đã xuất hiện hàng loạt các dự án điện gió được các nhà đầu tư đăng ký với quy mô lớn, công suất và suất đầu tư lên đến hàng tỉ USD, tuy nhiên, trên thực tế thì chẳng có dự án nào được triển khai, hay có triển khai thì cũng chỉ dừng lại ở các hạng mục “khảo sát, nghiên cứu…”.
Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Bến Tre, thì toàn bộ ba huyện ven biển của tỉnh với tổng chiều dài 65 km đã được quy hoạch thành 18 lô để xây dựng các dự án điện gió và hiện cả 18 lô này cơ bản đều có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, các dự án đã cấp phép đầu tư nhưng vẫn không triển khai, thậm chí có dự án đã thu hồi rồi cấp lại, nhưng cũng chưa thể triển khai xây dựng.
Cụ thể, dự án nhà máy điện gió Thanh Phong (1.300 tỉ đồng), xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú do Công ty cổ phần năng lượng sạch Thanh Phong làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh Bến Tre cấp phép đầu tư vào ngày 15/9/2014 và dự kiến vận hành thử nghiệm giai đoạn 1 (29,7 MW) vào tháng 12/2016. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng như như dự kiến ban đầu.
Đáng chú ý, ngày 06/02/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 04/QĐ-SKHĐT quyết định chấm dứt và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà máy điện gió Thanh Phong vì lý do chậm tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Ngày 28/5/2019, tại thông báo số 607 của Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bến Tre về kết quả giải quyết nguồn tin tố giác tội phạm, cho thấy: Ngày 23/5/2017 Cty Thanh Phong thay đổi giấy phép kinh doanh lần 1, và người đại diện theo pháp luật là ông Trần Anh Thuy, thì chỉ sau một ngày (24/5/2017), Cty Thanh Phong lại được đổi tên thành thành Cty CP năng lượng Ecowin, Tổng giám đốc là ông Trầ Anh Thuy.
Điều đáng nói là, căn cứ vào kết quả kiểm tra, xác minh: Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bến Tre kết luận: “Hành vi giả mạo chữ ký của ông Lê Viết Anh Thắng, được xác định do Trần Anh Thuy thực hiện trong việc chuyển nhượng 15% cổ phần tại Cty Thanh Phong cho một đối tác khác nhằm chiếm đoạt tài sản của các cổ đông (kiếm lời tại dự án mà trước đó đã bị cơ quan ban ngành tỉnh Bến Tre thu hồi). Tuy nhiên, cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bến Tre cho rằng “chưa đủ căn cứ nên không khởi tố hình sự đối với Trần Anh Thuy”.
Ngạc nhiên hơn, sau khi thực hiện trót lọt việc bán cổ phần, chiếm đoạt cổ phần của các cổ đông lên tới hàng tỉ đồng. Ngày 20/9/2017, ông Trần Anh Thuy - Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Ecolife có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Yên cho phép tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án nhà máy điện gió đa mục tiêu.
Ngày 25/12/2017, tại văn bản số 844/TB-UBND, ông Nguyễn Chí Hiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ra thông báo chấp thuận cho Cty Cổ phần Ecolife tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án nhà máy điện gió đa mục tiêu (dự án trùng lấp lên vị trí đã cấp phép cho Cty HBRE mà Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý và trình trước đó (09 tháng) và đã được Thủ tướng phê duyệt và đưa vào quy hoạch). Vụ việc trên đã khiến cho liên doanh tập đoàn HBRE giữa Việt Nam và Thái Lan không thể triển khai dự án, khiến cho đơn vị này phải kêu cứu lên Thủ tướng, Đại sự quán Thái Lan… nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Tương tự, Cty CP Đầu tư HLP (HLP Invest) đề xuất thực hiện dự án điện gió Biển Cổ Thạch có vốn đầu tư lên tới 4,4 tỷ USD ngoài khơi cảng Vĩnh Tân, Bình Thuận.
Siêu dự án được HLP Invest đề xuất trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ, và được chính quyền tỉnh Bình Thuận cân nhắc rất kỹ lưỡng. Trong đó, một băn khoăn lớn của UBND tỉnh này là việc "Tổng giám đốc HLP là cổ đông sáng lập Cty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, hiện nay Công ty đang đề nghị chuyển nhượng vốn 100% cho nhà đầu tư nước ngoài", theo một văn bản vào đầu năm 2019 của cơ quan này.
Với lo ngại đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ năng lực tài chính của HLP Invest, tránh tình trạng lập dự án để chuyển nhượng.
Trong văn bản giải trình, HLP Invest cho biết ông Nguyễn Mạnh Cường (Tổng giám đốc HLP Invest) là Tổng giám đốc Cty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, đồng thời là người sáng lập và nắm giữ 38% cổ phần tại Công ty. Tháng 7/2017, Cty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II tiến hành cơ cấu lại cổ đông để đẩy nhanh quá trình triển khai dự án, lúc này, ông Nguyễn Mạnh Cường chuyển toàn bộ phần vốn góp cho ông Nguyễn Văn Hùng (bố đẻ ông Cường) để trở thành cổ đông sáng lập nắm giữ 37,45% vốn điều lệ. Ông Nguyễn Mạnh Cường tham gia với vai trò Tổng giám đốc, trực tiếp quản trị điều hành để dự án được đẩy nhanh tiến độ. Cơ cấu cổ đông lúc này như sau: ông Hà Duy Lợi 60%, ông Nguyễn Văn Hùng 37,45% và bà Nguyễn Thị Liên 2,55%.
Đáng chú ý, HLP Invest khẳng định các cổ đông mới của Cty CP Điện mặt trời VSP Bình Thuận II đã có đủ năng lực, nghiêm túc thực hiện dự án và đầu tư xây dựng công trình. Để thoái vốn đầu tư các dự án khác, các cổ đông đã đồng ý chuyển nhượng 100% cổ phần cho các cổ đông nước ngoài. Việc chuyển nhượng đang được tiến hành theo đúng quy định pháp luật và đã được UBND tỉnh đồng ý tại văn bản số 709/UBND-KT ngày 28/2/2019.
Đáng lo ngại, nhóm các cổ đông của VSP Bình Thuận II là ông Hà Duy Lợi, ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Liên đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Công ty TNHH Đầu tư Vina Solar (99%) và hai cá nhân Trung Quốc là Wang Zhao Feng (0,5%) và Yang Yong Zhi (0,5%), vào đầu tháng 3/2019.
Như vậy, với những diễn biến trên, ngành năng lượng tái tạo Việt Nam, đang dần lộ diện với những lỗ hổng lớn về sự yếu kém trong công tác quản lý lẫn năng lực nhà đầu tư khiến nhiều dự án bị chậm so với quy hoạch và kế hoạch mà Nghị quyết 55-NQ/TW đã đề ra.
Kỳ 2: Cần loại bỏ những nhà đầu tư tay ngang, giành chỗ... “kiếm lời”
Có thể bạn quan tâm
03:15, 08/04/2020
05:10, 14/04/2020
04:00, 07/04/2020
07:07, 17/07/2019
11:00, 05/05/2020