Sau 5 năm, Việt Nam chưa có các dự án năng lượng tái tạo được triển khai mới. Sở dĩ có hiện trạng như vậy là do ảnh hưởng các quy chế, quy định ban hành chậm như duy hoạch điện quốc gia, cơ chế giá.
Về quy hoạch: Quy hoạch điện 8 và Quy hoạch điện 8 điều chỉnh là quy hoạch điện quốc gia đầu tiên thực hiện theo Luật Quy hoạch (các quy hoạch giai đoạn trước được thực hiện theo Luật Điện lực), dẫn đến thời gian kéo dài để đồng bộ cùng quy hoạch tỉnh. Do đó, cần xem xét cơ chế linh hoạt, phân quyền điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch thực hiện để có thể kịp thời thay đổi theo thực tiễn đầu tư cũng như nhu cầu gia tăng phụ tải từng khu vực, miền.
Về cơ chế giá: Đến năm 2024, Bộ Công Thương mới có các hướng dẫn cho việc xây dựng khung giá, tính toán giá điện và hợp đồng mẫu cho các dự án NLTT mới, và tiếp tục ban hành khung giá cho các dự án NLTT mới trong năm 2025. Hiện các khung giá này cũng chưa quá thu hút để các nhà đầu tư thức đẩy mạnh việc triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án điện mặt trời (ĐMT). Do đó, cần xem xét điều chỉnh để phù hợp với thực trạng các chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra để đầu tư dự án.
Về cơ bản, các dự án NLTT không quá phức tạp như các nguồn năng lượng truyền thống như nhiệt điện, thuỷ điện… nên có thể xem xét ban hành giá đơn giá áp dụng hằng năm hoặc theo chu kỳ để các dự án có thể áp dụng luôn, không phải mất thêm thời gian và nguồn lực để thực hiện đàm phán giá điện.
Bên cạnh đó, về cơ chế giá điện và đàm phán giá điện: Nếu tiếp tục yêu cầu đàm phán giá điện, tôi kiến nghị điều chỉnh các quy định, hướng dẫn để có cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lệ của chủ đầu trong quá trình phát triển dự án, đền bù và giải phóng mặt bằng … Ngoài ra, xem xét đảm bảo trượt giá và chênh lệch tỷ giá (đặc thù các dự án NLTT có tỷ trọng thiết bị nhập khẩu lớn).
Về việc lựa chọn nhà đầu tư (NĐT): Cần xem xét đơn giản hoặc tiến tới loại bỏ thủ tục lựa chọn NĐT, thay vào đó là các chế tài cam kết và bồi thường thiệt hại nếu không đảm bảo các mốc tiến độ dự án.