Việt Nam đang cần phải tăng trưởng sản xuất điện và giảm thải các bon, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư và lĩnh vực này.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều biến động và bất ổn, đặc biệt là các sự kiện gần đây, như chiến tranh thương mại, đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, gây khó đoán định. Tình hình này lần lượt tác động đến nhu cầu về điện nói chung và nhu cầu về điện xanh nói riêng tại Việt Nam. Chính vì lẽ đó, việc tìm kiếm và triển khai các giải pháp bền vững, tái tạo cho Việt Nam trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đây không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững và thu hút đầu tư trong giai đoạn hiện tại.
Bối cảnh năng lượng tại Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc, được thúc đẩy bởi các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải carbon. Hội thảo “Giải pháp bền vững, tái tạo trong thời đại bất ổn” do Tổ chức xúc tiến thương mại Singapore – Việt Nam (SingCham Vietnam) tổ chức đã làm rõ hơn về triển vọng, chính sách mới, thách thức hiện hữu và những bước đi chiến lược cho các doanh nghiệp.
Ông Richard Liu – Tổng giám đốc Năng lượng số Huawei – trích dẫn số liệu cho thấy, Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong sản xuất điện. Tổng công suất điện của Việt Nam đạt 88 GW vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, từ con số 80 GW năm 2020 đến giờ chỉ tăng lên thành 88 GW hiện nay thì chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các nguồn chính vẫn là điện than, thủy điện, trong khi điện mặt trời và điện gió chiếm hơn 20%. Giá điện tại Việt Nam hiện vẫn thấp so với các nước Đông Nam Á, mặc dù đã có 4 lần tăng giá với tổng cộng 18.2% trong hai năm qua sau 4 năm giữ nguyên.
Ông Liu cũng chỉ ra rằng hiện có sự thâm hụt về cung cấp điện trong khi nhu cầu từ các nhà máy sản xuất lại rất cao, đòi hỏi nguồn điện rẻ hơn và ổn định hơn để tránh lặp lại tình trạng thiếu điện như mùa hè 2023.
Ông Liu cũng đề cập đến Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM) của Châu Âu sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2026, tạo ra gánh nặng thuế lớn cho các nhà máy xuất khẩu sang thị trường này nếu sản phẩm không sử dụng năng lượng xanh.
Tiến sĩ Trần Huỳnh Ngọc – Phó Tổng giám đốc PECC2 - nhấn mạnh, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, có thể kể như Luật Điện lực, Quy hoạch Điện VIII sửa đổi, vân vân. Quy hoạch Điện VIII sửa đổi đặt ra mục tiêu đầy tham vọng đến năm 2030.
Có thể kể như điện mặt trời tăng từ khoảng 17 GW hiện tại lên tối thiểu 37 GW và tối đa 57 GW; Điện gió ngoài khơi và gần bờ tăng từ gần 7 GW lên tối thiểu 20 GW và tối đa 31 GW; Điện sinh khối hơn 1 GW; Hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS) đạt khoảng 10 GW, trong khi hiện tại chưa có hệ thống quy mô lớn nào được lắp đặt; Thủy điện khai thác tối đa tiềm năng còn lại, thêm khoảng 9 GW công suất.
Tiến sĩ Ngọc cho biết, các cơ chế thị trường mới như Hợp đồng Mua bán Điện trực tiếp và cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự dùng sẽ tạo điều kiện cho các nhà phát điện tái tạo tham gia thị trường và tăng lựa chọn cho khách hàng.
Tuy nhiên, việc đạt được các mục tiêu này không hề dễ dàng. Tiến sĩ Ngọc chỉ ra những thách thức lớn.
Đó là gánh nặng tích hợp năng lượng tái tạo. Việc phát triển nhiều dự án nhỏ phân tán khắp nơi đòi hỏi nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối ở nhiều nơi, tốn kém và mất thời gian, làm chậm quá trình phát triển.
Tiếp theo là tính không ổn định của năng lượng tái tạo: Cần có lưới điện linh hoạt, các nguồn bù đắp như BESS hoặc điện khí để duy trì cân bằng hệ thống.
Bên cạnh đó là phải hoàn thiện mô hình thị trường điện. Cần có thị trường cạnh tranh lành mạnh để phân bổ chi phí và lợi ích công bằng cho tất cả các bên.
Ngoài ra còn cần đảm bảo sự phù hợp giữa phát triển năng lượng tái tạo và các nhà máy điện than hiện có/đang xây dựng, tránh xung đột trong việc sử dụng các tài sản hiện có.
Cơ chế tài chính cho năng lượng tái tạo cũng chưa thực sự tối ưu và Chính phủ vẫn đang tìm kiếm mô hình tốt hơn.
Trước những thay đổi và thách thức trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp cần có những hành động chủ động.
Tiến sĩ Ngọc cho rằng các doanh nghiệp nên bắt đầu các cuộc thảo luận, tham gia đàm phán các điều khoản và hợp đồng ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới, dù các hướng dẫn chi tiết vẫn cần được hoàn thiện.
Ông Mike Chan – Group COO Executive Committee Member of SingCham Vietnam - nhấn mạnh tính "linh hoạt" của các quy định tại Việt Nam và khuyến nghị doanh nghiệp nên tiếp cận sớm với các cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ để chuẩn bị cho các quy định tiềm năng trong tương lai gần.
Ông Wesley cũng đưa ra khuyến nghị doanh nghiệp nên tiếp cận sớm với cơ quan quản lý và nhà cung cấp dịch vụ, chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho các quy định sắp ban hành.
Ông Chan nhận định chắc chắn chi phí tuân thủ quy định sẽ tăng lên đối với các doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là phải đảm bảo tất cả các tài liệu pháp lý và tài liệu cần nộp cho cơ quan chức năng đều được thực hiện đúng quy trình.
Tiến sĩ Ngọc nhắc nhở rằng mặc dù giá rẻ là hấp dẫn, an ninh năng lượng (khả năng cung cấp đủ năng lượng với chi phí hợp lý, có thể chi trả được) là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Doanh nghiệp cũng cần xem xét yếu tố an ninh năng lượng cho hoạt động của mình, không chỉ riêng chi phí.
Quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ về hạ tầng, chính sách và thị trường. Sự hấp dẫn của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào tốc độ triển khai và thực thi chính sách. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin, đầu tư vào công nghệ xanh, và chuẩn bị cho các chi phí liên quan đến carbon và tuân thủ quy định để đảm bảo hoạt động hiệu quả và bền vững trong tương lai.