Lương tối thiểu vùng: Xác định lại các yếu tố của nhu cầu sống tối thiểu

Vi Thị Hồng Minh - Phó Giám đốc văn phòng Giới sử dụng Lao động (VCCI), thành viên Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương quốc gia 01/08/2018 14:30

Mức nhu cầu tối thiểu cần được xác định để làm căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu chứ không phải xây dựng mức thu nhập của người lao động.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, khi xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và không thể bỏ qua yếu tố đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình. Tuy nhiên, sự khác biệt trong xác định tỷ lệ các yếu tố cấu thành nhu cầu sống tối thiểu đã dẫn tới chênh lệch trong đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2019 của các bên.

Xác định yếu tố ở mức tối thiểu phù hợp với điều kiện thực tế

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 91, Bộ luật Lao động 2012 quy định, mức lương tối thiểu phải bảo đảm “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”. Bộ phận Kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng cơ bản thống nhất sử dụng phương pháp và các căn cứ dựa vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu để xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Tính toán của VCCI cho thấy, nhu cầu sống tối thiểu của người lao động căn cứ vào 3 hệ số: Lương thực, thực phẩm; Phi lương thực, thực phẩm, và Hệ số nuôi con (của 1 người lao động).

Tuy nhiên, khi đưa yếu tố lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động, chúng ta cần xác định rõ, đây là mức nhu cầu tối thiểu để làm căn cứ xây dựng mức lương tối thiểu chứ không phải xây dựng mức thu nhập của người lao động.

Hơn nữa, đây cũng là nhu cầu tối thiểu cho người lao động làm công việc giản đơn trong điều kiện lao động bình thường nên đưa yếu tố xác định về nhu cầu lương thực, thực phẩm và phi lương thực, thực phẩm cần xây dựng ở mức tối thiểu phù hợp với điều kiện thực tế.

p/Mức lương tối thiểu đã dần tiếp cận với mức tăng trưởng GDP nhưng vẫn cao hơn gần gấp đôi chỉ số CPI.

Mức lương tối thiểu đã dần tiếp cận với mức tăng trưởng GDP nhưng vẫn cao hơn gần gấp đôi chỉ số CPI.

Rà soát lại “rổ hàng hoá”

Trong những năm qua, chúng tôi nhận thấy Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia đã căn cứ vào khuyến nghị của Viện dinh dưỡng về 54 mặt hàng lương thực, thực phẩm tương đương 2300Kcals và dựa vào khuyến nghị của Tổng cục thống kê để đưa ra mức giá cho 54 mặt hàng đó.

Cụ thể, nếu như năm 2016, bộ phận kỹ thuật tính mức giá của "rổ hàng hoá" là 660.000 đồng. Nhưng trước đó, cùng các tiêu chí và định lượng như vậy nhưng "rổ hàng hoá" của năm 2014 lại là 720.000 đồng vì thời điểm trước năm 2014 chúng ta thường lấy chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức khoảng 7-8% để ước lượng cho những năm tiếp theo.

  Trong khi các yếu tố về tốc độ CPI và số lượng hàng hoá trong “rổ hàng hoá” thay đổi theo xu hướng giảm, thì việc tính toán tỉ lệ điều chỉnh lương tối thiểu cần được điều  chỉnh giảm tương ứng.

Tuy nhiên, trong thực tế chỉ số CPI những năm sau thấp hơn nhiều so với dự báo. Cụ thể là năm 2014 dự kiến tăng CPI là 7% thì thực tế chỉ là 4%, năm 2015 dự kiến là 5% thì thực tế chỉ là 0,63%, năm 2016 dự kiến tăng CPI là 5% thì thực tế chỉ số giá tiêu dùng bình quân chỉ tăng 2,66% và năm 2017 dự kiến tăng CPI là 5% thì thực tế chỉ số giá tiêu dùng bình quân chỉ tăng 2,66%.

Hơn nữa, cơ cấu mặt hàng trong “rổ hàng hóa” cũng cần rà roát điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ, bỏ bớt những mặt hàng không sinh Kcals và có hại cho sức khỏe như thuốc lá, thuốc lào nên hiện nay “rổ hàng hóa” chỉ còn 53 mặt hàng và tổng mức giá cũng giảm đi.

Dựa vào cơ cấu chi tiêu thực tế của 10 nhóm dân cư theo điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy, nhóm người lao động sẽ nằm chủ yếu trong nhóm 2 và 3 với tỷ lệ chi lương thực, thực phẩm ở mức 55% và phi lương thực, thực phẩm mức 45%.

Tuy nhiên, để hướng tới việc nâng cao điều kiện sống của người lao động, chúng tôi nhất trí với kiến nghị của Bộ phận kỹ thuật là để tỷ lệ này ở mức 48%-52% (đây là mức theo tỷ lệ bình quân của 10 nhóm dân cư), số liệu này đã tính thêm phần nhà ở cho người lao động.

Như vậy, trong khi các yếu tố về tốc độ CPI và số lượng hàng hoá trong “rổ hàng hoá” thay đổi xu hướng giảm, thì việc tính toán tỉ lệ điều chỉnh lương tối thiểu cần được điều chỉnh giảm, căn cứ vào “số liệu thực tế của nhu cầu sống tối thiểu” này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lương tối thiểu vùng: Xác định lại các yếu tố của nhu cầu sống tối thiểu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO