Tốt nghiệp với 2 tấm bằng đại học, chị Trần Thị Hồng Nhung (Quảng Nam) quyết định trở về quê nhà lập nghiệp sau khi khởi nghiệp thất bại nơi “thành phố hoa lệ”.
>>Nghệ An: Người cựu chiến binh làm giàu trên vùng đất “khó”
Sinh ra thiếu sự may mắn, cơ thể của chị Trần Thị Hồng Nhung (sinh năm 1992, quê Thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) bị ảnh hưởng bởi chứng lệch xương chậu. Không có đủ kinh phí để điều trị, chị Nhung đành chấp nhận sống chung với di chứng, đối mặt với những bất tiện trong sinh hoạt.
Gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, vì thế người phụ nữ này đã xác định rằng học tập sẽ chính là cơ hội để bản thân thoát khỏi khó khăn. Vì vậy, chị Nhung đã không ngừng nỗ lực để thực hiện mục tiêu của mình. Thành quả được cụ thể hóa bằng 2 tấm bằng đại học Tài chính marketing về quản trị kinh doanh quốc tế và quản trị kinh doanh.
Sau khi hoàn thành chương trình học, chị Trần Thị Hồng Nhung đã xác định sẽ khởi nghiệp nơi “thành phố hoa lệ” – TP Hồ Chí Minh với mô hình kinh doanh shop hoa tươi. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp không được suôn sẻ khi cơ sở không tìm được nguồn khách hàng.
“Năm 2014, shop hoa tươi thua lỗ gây thiệt hại hơn 80 triệu đồng và gia đình phải vay mượn để gửi vào TP Hồ Chí Minh cho mình để xoay xở. Sau khi thất bại với shop hoa, bản thân mình cũng đã chuyển sang làm nhiều công việc khác để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, một thời gian sau công việc cũng không ổn định nên mình quyết định về quê lập nghiệp”, chị Nhung chia sẻ.
Sau khi trở về quê hương và lập gia đình, người phụ nữ này đã nghĩ đến một công việc vừa có thể kiếm thêm thu nhập vừa chăm lo được cho con nhỏ. Suy nghĩ đến đây, chị Nhung đã quyết định đi học làm bánh để có thể làm việc, kinh doanh ngay tại nhà. Và để thực hiện kế hoạch, thì chị Nhung lại tiếp tục vay mượn gia đình để có kinh phí học nghề.
Thế nhưng học và thực hành lại trái ngược với nhau, những mẻ bánh đầu tiên khi ra lò liên tục không đạt chất lượng đành phải bỏ đi. Số lượng bánh bỏ đi nhiều gây tổn thất kinh tế đã tác động đến tâm lý của người phụ nữ này, đôi lúc suy nghĩ bỏ cuộc đã hiện lên trong tâm trí. Tuy nhiên, với động lực từ chính gia đình nhỏ, chị Nhung lại tiếp tục cố gắng, vừa làm vừa học thêm kinh nghiệm để cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
“Sau thời gian thử nghiệm và nhận được sự ủng hộ của khách hàng, một cửa hàng nhỏ được xây dựng ngay trong chính căn nhà mình đang ở. Lúc đó chủ yếu cửa hàng chỉ kinh doanh bánh kem và doanh thu mỗi ngày đã hơn 1 triệu đồng. Khi việc kinh doanh trở nên thuận lợi và phát triển hơn, bản thân đã nghĩ đến việc mở một cơ sở lớn hơn và sản xuất nhiều hơn, từ đó tiệm bánh Yuki ra đời và dần nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ khách hàng”, chị Nhung cho biết.
Theo chia sẻ, hiện nay mỗi ngày cơ sở của chị Nhung cho ra thị trường khoảng 60 sản phẩm bánh kem các loại. Ngoài ra, cơ sở còn kinh doanh thêm một số loại thực phẩm khác dạng khô với đa dạng mức giá để khách hàng dễ dàng tiếp cận. Ngoài kinh doanh đồ ngọt, cơ sở của chị Nhung còn là đơn vị chuyên cung ứng các dịch vụ lễ tiệc, trang trí sự kiện, dạy làm bánh,...
Chia sẻ thêm về hoạt động của cơ sở, chị này cho hay mỗi tháng đơn vị mang về doanh thu từ 400-500 triệu đồng từ các hoạt động kinh doanh trên. Đến nay, đang có hơn 15 người lạo động địa phương đang làm việc tại tiệm bánh Yuki với mức lương gần 10 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, chị Nhung cũng dành ra 2% lợi nhuận để hỗ trợ trẻ em, những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
“Trong hoạt động, phương châm của Yuki là đào tạo con người, khi các bạn nhân viên đến làm việc tại cơ sở sẽ được đào tạo thêm về nghề làm bánh cũng như trang trí hội nghị,... để có thêm kinh nghiệm trong công việc, nếu không làm ở cơ sở nữa thì có thể ra hoạt động riêng. Ngoài việc đào tạo con người, Yuki cũng đã lên định hướng phát triển đến năm 2028, trong đó là phát triển thêm nhiều cơ sở tại địa phương, tiếp tục nâng cấp doanh số,...”, chị Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ.
Để hành trình khởi nghiệp thành công, chị Nhung cho rằng khâu chất lượng cần được đặt lên hàng đầu, vì vậy các sản phẩm tại Yuki đều được kiểm định rõ ràng. Ngoài ra, chủ thể khởi nghiệp cần xác định mục tiêu, đích đến cụ thể để sẵn sàng hành động.
Đặc biệt, người phụ nữ này cũng cho rằng chính người khởi nghiệp cũng cần xác định được mong muốn của bản thân trong suốt quá trình hoạt động. Đặc biệt là dám đương đầu với khó khăn, không nản chí trước những thử thách.
“Với khởi nghiệp thì sản phẩm cũng cần phải hướng đến cộng đồng nhiều hơn, lan tỏa sự tích cực đến với xã hội. Khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng, chắc chắn sản phẩm sẽ sớm đi đến thành công”, chị Hồng Nhung nhìn nhận.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc thi ý tưởng, dự án phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Dự án Sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ da cá sấu giành quán quân
15:16, 29/07/2023
Thúc đẩy phát triển khởi nghiệp và kinh doanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn
01:36, 27/07/2023
Người phụ nữ khởi nghiệp từ đồng ruộng và khát vọng vươn ra thế giới
14:54, 24/07/2023
Khoá đào tạo cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Cơ hội nâng cao năng lực và kỹ năng dành cho Mentor
14:33, 24/07/2023