Kinh tế

Mất "át chủ bài" sầu riêng, xuất khẩu rau quả đối mặt thách thức

Hằng Thy 25/03/2025 04:00

Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu trong tháng 3/2025 là do mặt hàng chủ lực sầu riêng đang gặp khó khăn trong xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), ước tính trong tháng 3/2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 421 triệu USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu ngành hàng này suy giảm, kéo theo lũy kế quý I/2025 chỉ đạt 1,1 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

saurieng.png
Để xuất khẩu sầu riêng thuận lợi, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Ảnh minh hoạ

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, bên cạnh các đối tác quan trọng khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Malaysia, Hà Lan…

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với năm 2024, khi xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh mẽ suốt cả năm. Đà giảm liên tiếp trong những tháng đầu năm 2025 đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành rau quả Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định đà suy giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 trái ngược hoàn toàn với năm 2024, khi ngành hàng này tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm và duy trì suốt 12 tháng.

“Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2025 có thể bị ảnh hưởng, thậm chí đứng trước nguy cơ giảm so với năm 2024. Đặc biệt, giai đoạn hiện tại rất quan trọng vì đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng ở các tỉnh miền Tây,” ông Nguyên lo ngại.

Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu rau quả sụt giảm trong quý I/2025, theo đánh giá của các chuyên gia là do mặt hàng chủ lực sầu riêng đang đối mặt với nhiều rào cản từ thị trường Trung Quốc. Từ đầu năm, nước này yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng O tại các phòng thí nghiệm được Trung Quốc công nhận.

Hiện Việt Nam có 9 phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn Trung Quốc và đang chờ phê duyệt thêm 6 hồ sơ nhằm mở rộng năng lực xét nghiệm, góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng hàng bị trả về vẫn xảy ra.

Nguyên nhân chủ yếu do một số doanh nghiệp lấy mẫu kiểm nghiệm không đủ tính đại diện cho lô hàng. Chẳng hạn, lô hàng thu hoạch từ 5 vườn nhưng chỉ xét nghiệm 3 mẫu, khi kiểm tra tại cửa khẩu, nếu mẫu rơi vào vườn không đạt chuẩn, toàn bộ lô hàng buộc phải quay đầu.

Đối với sầu riêng đông lạnh, dù cuối năm 2024 Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sang Trung Quốc, kỳ vọng mang về 400 - 500 triệu USD, nhưng mặt hàng này vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ về Cadimi và vàng O. Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, do đây là sản phẩm sơ chế có giá trị cao, các doanh nghiệp vẫn e dè tham gia vì chưa có quy trình giao nhận rõ ràng với phía Trung Quốc.

Trong quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt trên 1,1 tỷ USD. Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, với tình hình hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay khó có thể đạt được mục tiêu 8 tỷ USD như đã đề ra.

Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 không chỉ phản ánh khó khăn trước mắt mà còn đặt ra bài toán lớn cho toàn ngành. Ông Lê Thanh Hòa, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, nhiều thị trường lớn, không riêng Trung Quốc, đang siết chặt các quy định về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) và kiểm dịch thực vật. Ngoài ra, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ngày càng cao cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong bối cảnh này, ngành rau quả Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Chuỗi ngành hàng còn rời rạc, thiếu tính chuyên nghiệp, phần lớn sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, chi phí cao, trong khi khâu sơ chế và bảo quản sau thu hoạch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu trang thiết bị hiện đại. Chi phí vận tải cũng là một bài toán nan giải khi giá cước hàng không, đường bộ và đường thủy cao hơn so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường mới cũng không hề dễ dàng. Những thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand yêu cầu đánh giá rủi ro kỹ lưỡng trước khi cấp phép, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng nông dược. Trong khi đó, thị trường ASEAN lại có sự cạnh tranh gay gắt khi nhiều nước sở hữu nguồn cung trái cây nhiệt đới tương đồng với Việt Nam như xoài, sầu riêng, nhãn, thanh long, mít, dứa, dừa...

Trước tình trạng xuất khẩu rau quả sụt giảm, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân cần tăng cường liên kết, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kiểm định mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

Theo cơ quan này, việc chủ động thích ứng với các quy định về kiểm dịch thực vật, dư lượng hóa chất và an toàn thực phẩm sẽ giúp ngành rau quả giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng để gia tăng lợi thế cạnh tranh.

"Việc phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phục hồi và phát triển bền vững ngành rau quả Việt Nam trong năm 2025", đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mất "át chủ bài" sầu riêng, xuất khẩu rau quả đối mặt thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO